Mới đây, chương trình “Whose Chance Talk – GenZ hỏi, các Sếp trả lời” diễn ra tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng với sự tham dự của hơn 500 sinh viên, các Sếp đến từ các tập đoàn lớn và Content Creator Tun Phạm, MC Ngọc Nhi.
Nằm trong chuỗi sự kiện của show truyền hình thực tế “Whose Chance – Cơ Hội Cho Ai”, chương trình nhằm cung cấp những kiến thức về việc làm để các bạn sinh viên sắp ra trường tự tin bước vào kỳ thực tập, ra trường sắp tới. Đặc biệt, các Sếp sẽ giải đáp những “câu hỏi lớn” của thế hệ Gen Z, giúp họ chuẩn bị hành trang định hướng công việc cũng như trau dồi thêm những kỹ năng chinh phục nhà tuyển dụng.
Tại sự kiện lần này, các bạn sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có cơ hội gặp gỡ và giao lưu cùng các Sếp đến từ chương trình “Whose Chance – Cơ Hội Cho Ai”: Sếp Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viễn thông FPT, Sếp Dương Long Thành – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thắng Lợi Group, Sếp Nguyễn Trung Dũng – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc DH Foods.
Chia sẻ bí quyết tìm việc cho sinh viên, Sếp Tiến cho rằng: “Điều đầu tiên, các bạn phải xác định được mục tiêu chính. Thứ hai, phải xác định được quyền lợi, gồm thu nhập, cơ hội phát triển và môi trường làm việc. Như vật, khi làm trong một nhóm chúng ta phải biết chia sẻ quyền lợi và ngay lập tức là chia sẻ trách nhiệm. Thứ tư là kỷ luật, gồm quy trình, cách thức, thực hiện những điều làm việc”.
Về tiêu chí ưu tiên khi tuyển dụng, Sếp Tiến hài hước so sánh giữa tiêu chí truyền thống là “ngoan cố” (nói gọn của ngoan ngoãn và cố gắng) và ngày nay là khả năng tư duy độc lập và năng lực phản biện. Nếu sinh viên không bảo vệ được ý kiến riêng thì sẽ trở thành người bình thường và thậm chí tầm thường. Vì vậy, nhiệm vụ của các trường ĐH là giúp các bạn tự học, tự nghiên cứu và tự phát triển bản thân. Anh nêu quan điểm: “Kiến thức không phải là điều quan trọng nhất của trường Đại học. Vì hôm nay, kiến thức các bạn học được trong nhà trường cũ đi rất nhanh. Nếu các bạn không tự tìm được phương pháp tự học, tự trưởng thành, tự nghiên cứu thì rất khó có tương lai”.
Đại diện cho Gen Z và cũng là “ông chủ” trẻ đang kinh doanh, Content Creator Tun Phạm chia sẻ 3 điều cần xem xét khi tìm việc là việc đó mamg lại lợi ích cho xã hội, giúp bạn kiếm thêm thu nhập và phải là công việc bạn thật sự yêu thích. Kinh doanh thành công và cũng là bạn trẻ có sức ảnh hưởng mạng xã hội, Tun Phạm khuyên các bạn trẻ: “Thứ nhất các bạn cần chuẩn bị được kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm như giao tiếp và tiếng Anh. Học tiếng Anh rất quan trọng. Điều quan trọng nhất cần làm bây giờ đối diện với những gì sợ hãi. Càng sợ điều gì càng cần phải làm điều đó”.
“Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance” là chương trình truyền hình thực tế về việc làm hiện nay, đã phát sóng được 4 mùa trên VTV3 từ năm 2019. Phỏng vấn thật – Thương lượng thật – Việc làm thật là 3 giá trị cốt lõi mà nhà sản xuất chương trình luôn đề cao và gìn giữ trong suốt hành trình ra mắt và chinh phục khán giả. Bên cạnh yếu tố thiết thực vì mang đến cơ hội việc làm cho hàng trăm ứng viên đến từ khắp nơi trên mọi miền Đất nước, chương trình còn mang lại những kiến thức bổ ích cho người xem, người lao động, giúp họ học hỏi được nhiều kỹ năng mềm, hiểu hơn về thị trường lao động khi theo dõi các ứng viên trả lời phỏng vấn, vượt qua các thử thách khó khăn từ các Sếp, màn deal lương công khai trên sóng truyền hình.
Cũng ngay tại sự kiện, Ban tổ chức của chương trình “Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance” chính thức công bố Casting mùa thứ 5 với chủ đề “Chớp cơ hội vàng, sẵn sàng bứt phá”. Mỗi ứng viên đến với chương trình mùa 5 cần mang trong mình tinh thần chiến binh, dám đương đầu với mọi thử thách từ các Sếp, vượt qua giới hạn, nắm lấy cơ hội, chinh phục các vị trí công việc mơ ước cùng mức đãi ngộ xứng đáng.