30 tuổi chưa mua được nhà có phải là thất bại?

2020-12-21 06:12

Cho rằng 30 tuổi chưa có nhà riêng không phải là thất bại, ứng viên Nguyễn Văn Hiền vượt qua đối thủ đã mua được nhà ở tuổi 26, được sếp VNPAY mời về làm việc với mức lương 28 triệu/tháng.

Trong tập 7 chương trình thực tế tìm việc làm Cơ hội cho ai, hai chàng trai 27 tuổi Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Phi Văn “đối đầu”. Nguyễn Văn Hiền, cử nhân chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành Đại học Hà Nội, có kinh nghiệm làm việc phong phú, từ chuyên viên kinh doanh đến giáo viên tiếng Anh. Đối thủ Nguyễn Phi Văn, 27 tuổi, cử nhân chuyên ngành Quản trị nhà hàng – khách sạn, có 8 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành dịch vụ.

Chủ đề tranh luận được cho cặp đôi ứng viên là “Bạn nhận định như thế nào về quan điểm 30 tuổi chưa mua được nhà riêng là thất bại?”. Đây là chủ đề gây tranh cãi trong giới trẻ ngày nay khi nhiều người xem cột mốc 30 tuổi đánh dấu sự trưởng thành và độ thành công nhất định. Và mua được nhà là một trong những tiêu chí đánh dấu sự thành công của tuổi 30.

Ứng viên Văn Hiền cho rằng thất bại hay thành công được xét trên nhiều yếu tố, chứ không phải việc có thể sở hữu một ngôi nhà hay một chiếc ôtô. “Nếu bạn không có một ngôi nhà, nhưng bạn có một công việc ổn định, có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì đã là thành công rồi. Mỗi con người sẽ có một mục tiêu khác nhau, nếu dành sự ưu tiên ở tuổi 30 cho việc trau dồi kiến thức, trải nghiệm cuộc sống thì kế hoạch mua nhà có thể dời đến năm 35 tuổi, khi đó có thể mua được không chỉ một mà nhiều căn”.

Ứng viên Nguyễn Văn Hiền trong chương trình Cơ hội cho ai.

Đồng tình một phần với suy nghĩ của đối thủ, tuy nhiên Phi Văn cho rằng: “Đối với bản thân tôi, một người làm kinh doanh, thì đến 30 tuổi không mua được nhà gọi là thất bại một phần”. Từ 25 đến 30 tuổi là thời điểm vàng, bởi đây là giai đoạn sự quyết tâm, nhiệt huyết, sức khỏe đang ở trạng thái tốt nhất để đạt được ước mơ. Phi Văn tiết lộ bản thân đã hoàn thành mục tiêu sở hữu nhà riêng vào năm ngoái, ở tuổi 26.

Ứng viên Nguyễn Phi Văn.

Trước quan điểm trái chiều của cặp ứng viên, MC Thành Trung tiết lộ anh từng liều lĩnh cầm sổ đỏ của bố mẹ để vay tiền mua nhà vào năm 27 tuổi. “Năm ấy tôi mua một căn nhà vào khoảng 800 triệu ở trên phố cổ Hà Nội, cạnh nhà bố mẹ tôi. Lúc đó, tôi chỉ có khoảng hơn 200 triệu để dành. Tôi đã liều lĩnh mượn sổ đỏ của bố mẹ để vay ngân hàng. Đó là căn nhà đầu tiên của tôi, nhưng tôi chưa bao giờ đánh giá đó là một cột mốc thành công của một con người”.

MC Thành Trung khuyên các bạn trẻ nên có tầm nhìn cuộc sống và công việc, đánh giá đúng khả năng của mình để lựa chọn sao cho phù hợp, không nhất định phải đi theo đám đông.

Đồng tình với quan điểm của MC Thành Trung, sếp Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ hỏi cặp ứng viên: “Ở độ tuổi 30, đối với các bạn như thế nào mới gọi là thành công?”. Phi Văn và Văn Hiền đều cho rằng thành công ở độ tuổi 30, mục tiêu của họ là trở thành sếp, CEO dẫn dắt doanh nghiệp.

Để thử thách kiến thức chuyên môn của ứng viên, sếp Nguyễn Tuấn Lương, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam – VNPAY hỏi: “Bạn đánh giá như thế nào về thị trường đặt vé khách sạn online so với mô hình truyền thống là offline?”.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong mảng dịch vụ Du lịch – Lữ hành, Văn Hiền cho rằng mô hình đặt vé online trong thời gian sắp tới sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt. Các khách hàng trẻ có xu hướng lựa chọn các kênh OTA (Online Travel Acency – Đại lý du lịch trực tuyến), những khách hàng ở độ tuổi cao, có nhiều tiền và ít thời gian sẽ lựa chọn cách truyền thống hơn.

Với kiến thức chuyên môn sâu, Văn Hiền giành chiến thắng, bước vào vòng phỏng vấn trực tiếp với các sếp doanh nghiệp. Hài lòng với biểu hiện của Văn Hiền ở vòng trước, sếp Lương lập tức quyết định tuyển dụng Văn Hiền mà không cần đặt thêm câu hỏi chất vấn nào.

“Tôi trao cho em cơ hội để trở thành CEO tức thì. Tôi đã đọc hồ sơ của em và tôi cảm thấy em rất hợp để làm việc ở mảng kinh doanh dịch vụ du lịch – lữ hành, đúng mảng mà em có thế mạnh là OTA. Tôi có thể nói ra con số để em có thể hình dung về độ lớn của nó. Làm thế nào để chúng ta có nhà, có xe, có tất cả mọi thứ. Riêng về OTA thì một năm doanh thu khoảng 4.000 tỷ, một năm tôi bán khoảng hơn 2 triệu vé, hơn 300.000 phòng”, vị sếp VNPAY thuyết phục ứng viên.

Không chỉ sếp Lương, sếp Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc phát triển Doanh nghiệp TIKI cũng khá hài lòng với màn thể hiện năng lực của Văn Hiền ở vòng trước. “TIKI cũng rất thích những người trẻ như bạn. Và người trẻ thì có thể làm rất nhiều vị trí, đặc biệt là Quản lý dự án”.

Kết quả chung cuộc, dù không lấy việc mua nhà, mua xe ở tuổi 30 làm thước đo cho sự thành công nhưng Văn Hiền vẫn nhận được sự đánh giá cao từ các sếp. Cuối cùng ứng viên này được sếp Lương VNPAY tuyển dụng với vị trí Trưởng phòng Dịch vụ Du lịch với mức lương 28 triệu đồng.

Chương trình thực tế Cơ hội cho ai là sân chơi dành cho các bạn trẻ muốn gia nhập các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam dưới sự thử thách của các lãnh đạo công ty. Mỗi tập sẽ có 6 sếp ngồi ghế nóng, các cặp thí sinh tham gia vào các vòng thử thách nhằm tìm cho mình một vị trí thích hợp tại các công ty này.

Theo Ngoisao.net