TTO – Đây là nội dung của dự thảo đào tạo nhân lực trình độ quốc tế của UBND TP.HCM trong giai đoạn 2020-2035 đang được góp ý từ các đơn vị giáo dục.
Theo dự thảo đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế của UBND TP.HCM, 8 ngành được xác định gồm: công nghệ thông tin – truyền thông; cơ khí – tự động hoá; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; y tế; du lịch và quản lý đô thị.
Các tiêu chí nhân lực chất lượng cao mang tính quốc tế có thể bao gồm: đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi ra trường, thích nghi – dễ chuyển đổi điều kiện công việc, dễ đào tạo nâng cao, kỹ năng mềm, ngoại ngữ thành thạo, năng suất lao động cao….
Mục tiêu dự án đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đưa ra: khuyến khích trẻ em học tiếng Anh từ mầm non, 100% trường phổ thông được dạy và học theo mô hình STEM, toàn bộ trường phổ thông có hoạt động trao đổi giáo viên, học sinh với các trường phổ thông trong khu vực và quốc tế, 100% chương trình đào tạo của các ngành trọng điểm được kiểm định bởi tổ chức quốc tế…
Để thực hiện mục tiêu này, UBND TP.HCM thành lập hội đồng tư vấn giáo dục đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, thành lập Viện cán bộ quản lý giáo dục đào tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị cơ sở giáo dục phổ thông; tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng, phát triển chương trình đào tạo tiếng Anh…
TP.HCM hiện có 54 trường đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 362 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Hệ thống giáo dục thành phố có 2.283 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm Giáo dục thường xuyên với hơn 2 triệu học sinh, sinh viên.
Trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là nguồn lực lớn mà thành phố đặc biệt quan tâm…
Minh Giảng
Theo Tuổi trẻ