Hà Trung Phong là cử nhân loại giỏi chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại tại ĐH Ngoại Thương, có hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT và bán lẻ, 3 năm kinh nghiệm bán hàng xuyên biên giới. Hiện anh đang là Manager phụ trách Kinh doanh, nhắm trở thành Giám đốc và Tổng Giám đốc Kinh doanh, hướng tới mục tiêu tự do tài chính.
Tập 14, cũng là tập cuối cùng của “Cơ hội cho ai? – Whose chance?” chào đón sự xuất hiện của 2 ứng viên Hà Trung Phong 29 tuổi, đến từ Phú Thọ, và Nguyễn Tiến Dũng 24 tuổi, đến từ Đồng Nai.
Trung Phong là cử nhân loại giỏi chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại tại ĐH Ngoại thương, có hơn 7 năm làm trong lĩnh vực Thương mại điện tử (TMĐT) và Bán lẻ ở nhiều vai trò khác nhau: Chuyên viên, Trưởng bộ phận và hơn 3 năm trong lĩnh vực bán hàng xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc.
Tiến Dũng tốt nghiệp ĐH Đồng Nai chuyên ngành Kỹ thuật Máy tính, có hơn 6 năm làm trong ngành Tài chính tiêu dùng và 5 năm làm quản lý từ vị trí Trưởng nhóm Kinh doanh đến Trưởng phòng Kinh doanh.
Marketing có cần “áp số” giống dân Sales?
Chủ đề tranh biện của 2 ứng viên tại vòng Đối mặt là: “Bạn có đồng tình với quan điểm: Marketing cũng phải áp chỉ tiêu doanh số như bộ phận kinh doanh?”.
Là người đưa ra quan điểm trước, Tiến Dũng đồng ý Marketing cũng phải chịu doanh số như đội kinh doanh vì Marketing là quảng bá hình ảnh sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng mục tiêu. Bên cạnh đó, mục tiêu cuối cùng của Marketing chính là bán hàng, trước khi tạo nên một chiến dịch thì phải xác định được doanh số cần bán. Và cuối cùng, doanh số bán hàng chính là công cụ để đo lường hiệu quả của Marketing, tránh lãng phí ngân sách.
Đồng tình với ý kiến của đối thủ, Trung Phong cho hay dù hơi khó khăn trong việc đo lường hiệu quả doanh số đến từ Marketing, tuy nhiên vẫn nên xét KPI này bởi:
Thứ nhất, dễ dàng dàng theo dõi tiến độ trong công việc, từ đó ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn.
Thứ hai, có thể đánh giá chất lượng nhân sự, hiệu quả của chiến dịch một cách đúng đắn, từ đó rút kinh nghiệm để lên kế hoạch tốt hơn cho những lần sau.
Thứ ba, tạo động lực cho nhân viên luôn đổi mới sáng tạo, tìm ra các cách hiệu quả hơn trong công việc.
Mô tả cách chạy một chiến dịch Digital Marketing trên nền tảng Facebook, Trung Phong cho biết thông thường anh sẽ tạo và khởi chạy song song 20 campaign cùng một lúc với giá thầu dao động khoảng 5 USD/campaign. Sau một thời gian quan sát, campaign nào không hiệu quả, anh sẽ tắt đi, và ưu tiên ngân sách cho những campaign tiếp cận, tương tác tốt.
Trung Phong cũng cho rằng chỉ tiêu doanh số của đội Marketing và đội Sales không nên được áp cùng nhau, mà nên tách riêng ra. Ví dụ, nếu chỉ tiêu của Marketing có 3 đầu mục thì 2 mục đầu có thể là lượng Traffic, số lượng khách tham dự, khách hàng mới và mục cuối cùng mới là doanh số.
Kết thúc vòng Đối mặt, Trung Phong giành chiến thắng tuyệt đối trước đối thủ với điểm số 5/5 để bước tiếp vào vòng trong.
Từng bỏ tương lai với mức lương trăm triệu vì thoát vị đĩa đệm, chàng trai từ chối lương 38 triệu của sếp DH Foods, nhận lương 30 triệu từ sếp Elise
Ở vòng Chinh phục, Trung Phong cho hay trong quá khứ anh đã bán sản phẩm của tập đoàn đa quốc gia nơi anh từng làm việc. Hiện anh đang cộng tác cùng một người bạn để bán mặt hàng thời trang online. Với Phong, chỉ cần là sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng, anh nghĩ mình đều có thể bán được, miễn sản phẩm đó không hại mình, hại người. Theo anh, người bán hàng nên đặt nặng cái tâm lên trên các kỹ năng còn lại.
Trung Phong cũng cho biết sau khi tốt nghiệp Thủ khoa Đại học Ngoại thương, anh đã xác định sẽ theo đuổi ngành TMĐT, phần vì đam mê, phần vì xác định nó sẽ trở thành xu hướng. Hiện anh đang là một Manager phụ trách Kinh doanh. Trong tương lai, anh mong sẽ trở thành Giám đốc và Tổng Giám đốc Kinh doanh.
Sếp Lê Đức Thuấn – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc – nghi vấn: “Tại tập đoàn đa quốc gia trước đây, em làm giám sát kênh GT (General trade – Kênh cung cấp hàng hóa truyền thống) từng đấy năm, nếu em cứ phát triển ở đó thì em có thể lên cấp RSM (Giám đốc Kinh doanh Vùng), lương có thể lên đến trăm triệu một tháng. Lý do tại sao em lại rẽ ngang sang kênh bán hàng khác?”
Trung Phong bộc bạch khi đó anh phụ trách khu vực miền Bắc, phải di chuyển rất nhiều, sau đó phát hiện mình bị thoát vị đĩa đệm, phải điều trị 2 tháng, hầu như không thể di chuyển được. Từ đó, anh xác định không thể tiếp tục theo đuổi công việc này nữa dù lương cao.
Kết thúc vòng Chinh phục, Trung Phong nhận được 2 đèn xanh từ Sếp Dũng và Sếp Nga, vừa đủ điều kiện để đi tiếp vào vòng cuối cùng, Cơ hội cho ai.
Mức lương kỳ vọng của Trung Phong là 30 triệu đồng.
Trước câu hỏi “Có sẵn sàng chuyển vào TPHCM làm việc?” từ sếp Nguyễn Trung Dũng – Chủ Tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP DH Foods, Trung Phong bày tỏ nếu offer của sếp hấp dẫn thì anh sẵn sàng.
Trung Phong nhận được 2 offer từ:
– Elise cho vị trí Phụ trách Sàn Thương mại Điện tử với mức lương 30 triệu đồng
– Dh Foods cho vị trí Quản lý Kênh Thương mại Điện tử với mức lương 38 triệu đồng
“Em sẽ làm việc dưới quyền của Giám đốc TMĐT. Mức lương này không quá cao, chưa phải là mức lương cuối cùng. Chị không biết kỳ vọng của em như thế nào, nhưng đó là đánh giá của chị, và kỳ vọng của chị về em lớn hơn nhiều so với mức lương chị đưa ra”, bà Lưu Nga – Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang Elise – cho biết.
Sếp Lưu Nga cũng khẳng định mức trên chỉ là lương, chưa gồm thu nhập ngoài lương như hoa hồng trên doanh thu, chế độ đãi ngộ… (sẽ hưởng theo chính sách của công ty)
“Điều quan trọng là có nhiều cơ hội. Như chị nói, đây chỉ là thu nhập ban đầu. Mà với mục tiêu lớn của em, thu nhập mấy triệu hoặc vài chục triệu không phải vấn đề”, sếp Elise thuyết phục.
Kết quả chung cuộc, Trung Phong quyết định từ chối mức offer 38 triệu đồng từ Sếp Dũng, vì chưa sẵn sàng đưa cả gia đình bay vào TPHCM nhận việc, để đầu quân về Elise cho vị trí Phụ trách Sàn TMĐT với mức lương 30 triệu đồng.