Tiêu chí chọn người lao động thay đổi sau đại dịch

2020-11-20 10:11

(TBKTSG Online) – Ở trạng thái bình thường mới của nền kinh tế, người lao động cần phải có suy nghĩ cởi mở, không chỉ bó buộc trong ngành chuyên môn của mình như trước đây, mà hãy nhìn những cơ hội đến từ đa ngành nghề và thúc đẩy năng lực xoay sở, vượt khó để thích ứng.

Đây là những thông tin chia sẻ của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, lãnh đạo công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự với chủ đề “Cơ hội nào cho Người lao động trong trạng thái bình thường mới?” trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Whose Chance Talk diễn ra vào chiều ngày 13-11.

 

Tiêu chí chọn người lao động đã thay đổi

Ở trạng thái bình thường mới, hầu hết các doanh nghiệp và các công ty tuyển dụng đều cho rằng tiêu chí chọn người lao động đã có thay đổi so với trước đây.

Theo bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Talentnet, hành vi của người lao động thay đổi để thích nghi với trạng thái bình thường mới. Trước đây, có thể người lao động làm cố định một công việc và nghĩ là mình sẽ làm hết sức.

Nhưng bây giờ chưa đủ, mình phải vượt qua khuôn khổ của sự cố định và sẵn sàng đón nhận bất kỳ công việc gì mà tổ chức mong đợi và chủ động xin cấp trên những cơ hội cho mình. Hành vi thay đổi thái độ, biến điều không thể thành có thể, bà Tring nói.

Cũng theo bà Trinh, trước đây, khi chưa dịch, khi tuyển dụng thường tuyển đúng vị trí chuyên môn cho ngành. Còn hiện tại, các nhà tuyển dụng ưu tiên tuyển kỹ năng, năng lực xoay sở, vượt khó, năng lực thích ứng.

“Tôi nghĩ người lao động phải có suy nghĩ cởi mở, không chỉ bó buộc trong ngành chuyên môn của mình, mà hãy nhìn những cơ hội chung quanh mình ở đa ngành”, bà Trinh chia sẻ, và dẫn chứng: “Trong đợt dịch vừa rồi, có sự dịch chuyển nhân sự từ những ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch – khách sạn sang các ngành bảo hiểm, bất động sản có nhu cầu tuyển dụng”.

 

CEO của công ty nhân sự này cho rằng xu hướng tuyển dụng hiện tại của doanh nghiệp là không thích tuyển nhân viên trong lối mòn của ngành, mà thích bổ sung 20% của ngành khác sang, để đa dạng hóa hơn.

 

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc (BNA) Lê Đức Thuấn thì cho rằng doanh nghiệp của ông thiết kế hệ thống “lương 3P”, xây dựng khung năng lực và BNA tuyển người dựa vào năng lực, chứ không chỉ dựa vào kinh nghiệm. “Nếu người lao động có cả kinh nghiệm và năng lực thì tốt, nếu không, chúng tôi ưu tiên năng lực”, ông Thuấn nói.

Đại dịch Covid-19 đều tác động đến hầu hết doanh nghiệp. Riêng với Thắng Lợi Group, theo Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Quyền, thì mức ảnh hưởng cũng xếp vào dạng nhẹ, vì công ty có những chiến lược thay đổi kịp thời.

Về góc độ của người lao động, ông Quyền cho rằng trong thách thức vẫn tồn tại những cơ hội. “Tôi nghĩ người lao động nên tập cách thích ứng. Ngoài thay đổi để thích ứng, chúng ta phải cập nhật, học tập những kỹ năng mới”, ông Quyền nói, và cho biết: “Thắng Lợi Group rất khát nhân sự. Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ là dịch thì ai cũng khó khăn, nhưng chúng ta có quyền chọn cách để đối mặt với nó. Thái độ và tư duy tích cực của chúng ta trong dịch và sau dịch cũng quyết định cơ hội của chúng ta”.

 

Robot, AI… có làm mất việc của người lao động?

Một vấn đề khác đặt ra là liệu công nghệ như robot, AI phát triển có gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm của người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông?

Theo ông Nguyễn Tuấn Lương, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), công nghệ đang len lỏi vào cuộc sống. Các mảng như làm đẹp hay nấu ăn đều được ghi nhận, theo dõi thông tin bằng ứng dụng của công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để từ đó đưa ra những mô hình tối ưu nhất. Có nhiều phần việc khi ứng dụng công nghệ sẽ giúp tiết giảm sức lao động của con người. Tuy nhiên, công nghệ không làm mất đi việc làm, mà tạo ra niều công ăn việc làm.

“Người lao động cần phải tập thích nghi từ những điều nhỏ nhất. Điển hình nhất là thích nghi với việc họp online, cầ phải chuẩn bị gì để cuộc họp diễn ra hiệu quả, vì một cuộc họp online hoàn toàn khác với một cuộc họp trực tiếp thông thường. Chúng ta phải trang bị những kiến thức, hiểu biết, kỹ năng để thích nghi”, ông Lương nói.

Tương tự, theo ông Nguyễn Thanh Quyền: “Chúng ta không lo AI sẽ làm mất đi việc làm. Mà chúng ta phải học cách để quản trị AI”. Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cho rằng: “AI là kết tinh của nhân loại và chúng ta phải học cách để biến nó trở thành một công cụ để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.

Bà Lưu Nga, nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang Elise, cũng cho rằng đối với ngành hàng thời trang, AI giúp nâng cao năng lực quản trị trong doanh nghiệp, nhưng ngành này vẫn cần con người.

Do đó, theo bà Nga, người lao động phổ thông không nên sợ mất việc mà cần lấy làm vui vì với sự trợ giúp của công nghệ, các sản phẩm chất lượng hơn sẽ được tạo ra, năng suất lao động được nâng cao và sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Bà Nga chia sẻ thêm do Covid-19, doanh nghiệp của bà mới ứng dụng thương mại điện tử vào mô hình kinh doanh, và giải pháp này giúp doanh thu của Elise gia tăng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lương của VNPAY, sự len lỏi của công nghệ trở thành thách thức đối với các doanh nghiệp, các tổ chức từ lớn đến nhỏ, đến cả cá nhân. “Với điều kiện không được tiếp xúc ở giai đoạn đại dịch, thì chỉ có công nghệ mới có thể thay thế được. Nó là quá trình chuyển đổi số và quá trình này sẽ tạo ra rất nhiều việc làm cho những nhóm người có chuyên môn sâu.

“Nhưng công nghệ có giúp tạo ra việc làm cho nhóm người lao động chân tay, như cắt tóc, gội đầu hay không, thì đây cũng là câu hỏi mà khi đồng hành cùng các tổ chức, VNPAY đang tìm kiếm câu trả lời. Tôi nghĩ các cá nhân cần chuẩn bị cho mình các kỹ năng mà trước đây chúng ta nghĩ rằng chúng ta không cần trang bị, để bán dịch vụ của mình trong giai đoạn giãn cách”, ông Lương chia sẻ.

Đối với ông Lương, chuyển đổi số có 3 từ “không”: không tiếp xúc, không dùng đến tiền mặt và không dùng đến con người. Nhìn vào đây, doanh nghiệp lẫn cá nhân có thể biết được cần rèn luyện kỹ năng gì để chuẩn bị cho tương lai.

Covid-19 có ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, và VNPAY cũng nằm trong số đó, nhưng đồng thời, nó cũng tạo ra bước ngoặc, khi thói quen của người dùng thay đổi. Khi giãn cách, không thể mua hàng trực tiếp, thì người dùng mua hàng trực tuyến (online) và điều đó tạo ra việc làm cho một khối lượng lớn những người làm trong ngành hậu cần (logistics).

Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế, trong đó có những ngành không thể phục hồi và có những ngành phải mất từ 3-5 năm để phục hồi. Trong khi người lao động ngày nào cũng phải có việc làm, ngày nào cũng phải nhận được tiền. “Tôi nghĩ khi mà cơ hội đang ít đi, thì chúng ta phải sẵn sàng làm việc từ bây giờ, chúng ta không thể ngồi chờ”, Phó chủ tịch HĐQT VNPAY chia sẻ.

Theo TheSaiGonTimes