Bạn có phải là người gặp vấn đề mâu thuẫn với sếp và nhân viên của mình không? Nếu có thì, theo bạn, vấn đề thường nằm ở đâu? Do bạn quá giỏi, sếp hay nhân của bạn quá dở, hay ngược lại? Hoặc, do cách ứng xử của đôi bên?Hãy cùng xem lại những câu chuyện muôn thuở của sếp và nhân viên nơi công sở, nguyên nhân và cách giải quyết trong bài viết dưới đây.
Mâu thuẫn nơi công sở thật ra là câu chuyện thường nhật của thế giới văn phòng hay ta có thể hình dung thế giới công sở như một bộ phim sitcom dài kỳ mà trong đó, sếp và nhân viên xích mích cũng chỉ là một tuyến của kịch bản chung.
Ở đây, ta khoan bàn tới kỹ năng quản trị/quản lý hay sự chuyên nghiệp nơi công sở của nhân viên. Bất cứ việc gì khi được đúc kết thành lý thuyết đều có vẻ rõ ràng & mạch lạc. Chỉ khi bạn va chạm thực tế, bạn mới hiểu rằng, mọi vấn đề vẫn diễn ra đều đặn & bạn vẫn phải tìm cách đối phó với chúng ngày qua ngày kể cả khi bạn đã thuộc lòng mọi cuốn sách. Chủ yếu là ta cần tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết của chính vấn đề ta đang gặp phải.
1.Nguyên nhân sếp và nhân viên xích mích là gì?
Có một thực tế là những người có khả năng làm quản lý và những nhân viên giỏi lại đều là những người nóng tính và quyết liệt. Bởi vậy, khi đã có mâu thuẫn, họ thường rất khó đối thoại với nhau. Tùy vào cá tính và cách phản ứng của từng đối tượng mà sự mâu thuẫn giữa sếp và nhân viên có hai biểu hiện: ngấm ngầm hay bùng nổ.
Sự khó chịu ngấm ngầm thường không tạo ra căng thẳng nhưng khiến cho không khí giữa hai bên, thậm chí là không khí của những người xung quanh hết sức khó chịu, mất đi cảm giác thoải mái trong công việc. Trong khi đó, mâu thuẫn trực diện và những cú bùng nổ của một trong hai bên lại rất dễ tạo ra tổn thương, gây xước xát đến mức không thể hàn gắn.
Nguyên nhân của vấn đề thì nhiều. Nói vui thì như kiểu, nhân viên quá giỏi nên không hiểu sao sếp lại được làm sếp còn mình lại phải làm nhân viên. Sếp quá giỏi nên nhân viên nghe không hiểu, trả lời câu hỏi không được, cãi không trôi, trình bày không đạt… Cũng có khi chỉ là do nhân viên quá nhanh nhẹn khiến sếp cảm thấy mình già cỗi, hay ngược lại, sếp quá khỏe khiến nhân viên làm việc muốn tắt thở mà không biết vì sao. Ở một số môi trường, vấn đề nằm ở chỗ nhân viên đã lớn tuổi, giàu kinh nghiệm trong khi sếp quá trẻ, nhiều kỹ năng những kinh nghiệm chưa nhiều, tạo ra đố kỵ và hoài nghi.
Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của vấn đề, nguyên nhân chính yếu chỉ là do một trong hai bên hoặc cả hai bên còn giữ cái tôi của mình, chưa chịu lắng nghe nhau & chưa hướng đến một mục đích chung nhất là lợi ích của tổ chức.
2. Cách giải quyết mâu thuẫn giữa sếp và nhân viên là gì?
Mọi người thường lấy chức danh “sếp” và thân phận “nhân viên” rồi đứng ở đúng vị trí mình đang có để nhìn vào mâu thuẫn hoặc xích mích mà quên mất rằng, mọi mâu thuẫn chỉ nằm ở quan điểm nhìn nhận về một khúc mắc nào đó giữa hai con người. Bởi vậy, khi muốn giải quyết, trước hết, ta nên tạm thời gạt bỏ hai danh phận mình đang có để đối thoại với nhau và với chính mình.
- Tìm ra bản chất của vấn đề
Bạn cảm thấy sếp không ưa mình, cảm thấy bị đối xử bất công? Bạn nghĩ là nhân viên đang chống đối hoặc coi thường mình? Bạn nghe người khác nói lại rằng vì bạn… nên họ (sếp hoặc nhân viên) đã…
Tất cả những điều này đểu không giúp bạn xử lý vấn đề tận gốc. Cách tốt nhất là hãy tự mình tìm ra bản chất của vấn đề bạn đang gặp. Bạn không thể trị bệnh nếu không biết mình mắc bệnh gì và mọi thứ thuốc
giảm đau hay kháng sinh chỉ giúp bạn chữa trị triệu chứng của bệnh. Vì thế, hãy xác nhận một cách tỉnh táo, khôn ngoan đúng khúc mắc mình đang gặp phải và tìm cho ra nguyên nhân cốt lõi của nó.
- Thẳng thắn đối diện với vấn đề & thành thật đối thoại với đối phương.
Bạn cảm thấy sếp không ưa mình hay nhân viên đang chống đối mình? Hãy thử cách trò chuyện thẳng thắn với họ. Biết đâu, bạn chẳng cần tìm nguyên nhân cũng chẳng cần tìm cách giải quyết nào cả.
Chúng ta sống trong một thế giới của trí tuệ tầm cao với những cuốn sách dạy kỹ năng làm người quá lâu đến độ quên mất cả một việc căn bản nhất là hỏi khi cảm thấy thắc mắc và nói khi cảm thấy cần phải trình bày. Đối thoại chính là bước đầu tiên và cũng là bước cuối cùng giúp bạn giải quyết mọi thứ.
- Phân biệt rõ giữa bảo vệ chính kiến & giữ cái tôi cá nhân.
Dù bạn làm việc trong bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào và dù bạn là sếp hay nhân viên thì có một nguyên tắc bạn luôn cần phải ghi nhớ: “Không có chữ TÔI mà chỉ có chữ CHÚNG TA trong công việc.”
Bạn có thể bày tỏ chính kiến cá nhân của mình trong cuộc họp, thể hiện tài năng cá nhân trong kế hoạch, file báo cáo hay bản thiết kế của mình. Bạn có thể tranh cãi với bất cứ ai, tranh luận về bất cứ vấn đề gì trong công việc của mình. Nhưng, bạn cần phải nhớ rằng mục tiêu của bạn phải là lợi ích của tổ chức & mục đích của mọi cuộc tranh cãi phải đưa bạn tới đúng hồng tâm này. Nếu không phải thế, tức là bạn đang lạc hướng sang cảm giác tự ái và chỉ muốn bảo vệ cái tôi của mình.
- Luôn lắng nghe dù có thể đã hiểu rồi.
Khi học tiếng Anh, bạn sẽ gặp hai động từ “listen to” & “hear” đều có nghĩa là “nghe” nhưng một từ là “lắng nghe” & từ còn lại là “nghe thấy”. Khi gặp vấn đề với sếp và nhân viên của mình, trước khi bất mãn hoặc phản ứng, bạn hãy thử hỏi ngược lại xem, bản thân mình đã dùng đủ cả hai từ này chưa. Nói cách khác, bạn đã thực sự lắng nghe và nghe hiểu được những gì đối phương nói hay chưa.
Rất nhiều lúc, trong cuộc tranh luận hay trong một bất đồng nào đó, cái tôi hoặc cơn nóng giận khiến mọi người quên mất rằng cùng là một quan điểm nhưng có rất nhiều cách nhìn nhận. Và, thay vì ngồi xuống để lắng nghe quan điểm của đối phương, ta lại phản ứng bằng cách đưa ra quan điểm của mình. Hãy nhớ rằng, không có quan điểm đúng sai, chỉ có cách nhìn nhận phù hợp với thời điểm hiện tại hay chưa.
3. Nếu vẫn rơi vào bế tắc sau nhiều cố gắng hàn gắn?
Nếu tự nhận thấy chưa đủ cố gắng, bạn có thể tìm cách trau dồi thêm, đi học một khóa học quản lý hoặc đi học nâng cao chuyên môn, kỹ năng nào đó của mình còn thiếu chẳng hạn. Thời đại 4.0, những lớp học đa hình thức, đa thể loại có ở khắp nơi luôn sẵn sàng phục vụ bạn.
Nếu tự nhận thấy chưa đủ cố gắng, bạn có thể tìm cách trau dồi thêm, đi học một khóa học quản lý hoặc đi học nâng cao chuyên môn, kỹ năng nào đó của mình còn thiếu chẳng hạn. Thời đại 4.0, những lớp học đa hình thức, đa thể loại có ở khắp nơi luôn sẵn sàng phục vụ bạn.
Nếu tự nhận thấy mình đã cố gắng hết mức có thể hoặc chỉ đơn thuần là không thể cố gắng được nữa thì hãy chấm dứt mối quan hệ đau khổ đó bằng cách nào phù hợp với mình. Dù bạn là nhân viên hay sếp thì bạn cũng không phải cái cây. Bạn có quyền chọn nơi mình muốn tới, làm việc với người mình cảm thấy phù hợp và tận hưởng cảm giác cùng ai đó cống hiến hết mình, đẩy cỗ xe sự nghiệp tới thành công.
Sếp và nhân viên vốn chung một thuyền, nếu hai người chèo theo hai hướng thì cái thuyền đương nhiên chìm. Vậy nên, khi không thể tiếp tục, đơn giản là ngừng lại!
Nguồn bài viết: https://nordiccoder.com/