“Bất kể ngành nghề nào thì kỹ năng bán hàng cũng là một trong những kỹ năng quan trọng nhất và nhờ vào nó bạn không phải lo mình ‘đói’. Nói đúng hơn là kỹ năng bán hàng sẽ nuôi bạn suốt đời” – Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó chủ tịch Tập đoàn TiKi chia sẻ.
Qua chương trình Cơ hội cho ai(*), Ngô Hoàng Gia Khánh – Phó chủ tịch Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp, thành viên thường trực HĐQT Tập đoàn TiKi đã có những chia sẻ hữu ích cho giới trẻ về công việc và định hướng nghề nghiệp hiện nay.
Anh cảm nhận như thế nào khi bạn Tiến Quyết đồng ý đầu quân cho Tiki dù mức lương thấp hơn các sếp khác trong chương trình?
– Thực ra đó là điểm tôi đánh giá cao bạn ấy. Quan trọng là bạn biết bản thân muốn gì. Bạn mong muốn làm trong một công ty có yếu tố công nghệ, tăng trưởng nhanh, có rất nhiều lĩnh vực liên quan mà bạn có thể thử sức mình. Bạn trẻ như vậy nhưng có suy nghĩ rất dài.
Phạm Tiến Quyết đã hi sinh những mức lương cao hơn trong ngắn hạn để đạt được cơ hội học tập, cống hiến, phát triển bản thân. Đó thật sự là một ứng viên phù hợp với tiêu chí tuyển dụng của công ty chúng tôi.
Anh dự định sẽ tuyển dụng những vị trí nào tại chương trình và anh đánh giá cao tố chất gì ở một nhân sự?
– Với mức độ tăng trưởng nhanh như công ty chúng tôi thì có rất nhiều vị trí tuyển dụng. Quan trọng nhất đối với một vị trí là chuyên môn, cá tính phù hợp. Vì vậy khi tham gia chương trình, tôi không quá hạn chế bản thân về việc đưa ra lời đề nghị cho các bạn về các vị trí khác nhau mà quan trọng là sự phù hợp ở cá tính và chuyên môn cho từng vị trí.
Tôi đánh giá cao một nhân sự khi họ có suy nghĩ dài hạn, có khả năng lên kế hoạch từ 3 đến 5 năm. Thứ hai, với những kế hoạch như vậy họ có khả năng thực hiện những bước nhỏ để đạt được mục tiêu lớn. Thứ ba, có sự khiêm nhường để học từ tất cả mọi người, từ công việc, kể cả đối tác để có thể cải thiện công việc một cách tốt nhất.
Theo quan điểm của anh, mỗi nhân sự đóng vai trò như thế nào trong một tập thể?
– Lấy ví dụ về hình ảnh đoàn quân, họ chỉ có thể di chuyển với tốc độ của người đi chậm nhất. Vì vậy mỗi nhân sự, mỗi cá nhân, tập thể đều phải nỗ lực hết mình để đi cùng với tốc độ của cả doanh nghiệp và cùng tạo ra những cộng hưởng lớn cho việc kinh doanh chung.
Anh nghĩ gì về sự tử tế trong kinh doanh?
Có một điều tôi thấy trong kinh doanh hiện nay bị đánh giá thấp, đó là sự tử tế. Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay người ta sẵn sàng hi sinh bất cứ mối quan hệ nào kể cả đối tác để có lợi cho mình.
Nhưng với tôi, điều này sẽ không mang lại thành công. Chỉ có sự tử tế mới mang lại giá trị lâu dài. Sự tử tế trong kinh doanh không chỉ thể hiện ở cách làm việc với đối tác mà còn phải thể hiện ở trong quan hệ với nhân viên và đồng nghiệp.
Kỹ năng, tố chất nào anh tự rèn luyện để có được thành công như ngày hôm nay với độ tuổi khá trẻ?
Có một điều tôi luôn tâm niệm là không có gì thành công chỉ qua một đêm. Không có con đường tắt để đi đến sự thành công mà tất cả người thành công và cả bản thân tôi đều cần sự bền bỉ và hướng đến đạt được mục đích lớn lao trong tương lai.
Như vậy, hành trình làm thuê giúp ích gì các bạn trẻ vì hiện nay nhiều bạn mơ ước khởi nghiệp khi vừa tốt nghiệp ĐH-CĐ?
Thực ra, các bạn đừng quan niệm làm thuê hay làm chủ. Khi các bạn làm một doanh nghiệp, các bạn phải luôn luôn nghĩ mình là chủ doanh nghiệp. Đứng trong tâm thế đó sẽ giúp các bạn làm công việc tốt hơn với một sự đam mê chứ không phải hàng ngày đến công ty làm xong việc rồi về, cuối tháng lãnh lương.
Hãy xem mình là một người chủ doanh nghiệp. Sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của bạn. Khi trong vai trò chủ doanh nghiệp, bạn sẽ không muốn nhân viên có suy nghĩ sai lệch hay đi sai định hướng phát triển, nên ngay từ đầu mình phải làm như một người chủ, thật sự lo lắng cho dù ở bất kì vị trí nào.
Chiến thuật của anh khi tham gia chương trình, đặc biệt là trong việc “chào mức lương”?
Khi đề xuất mức lương, tôi không so sánh với mức lương công ty khác. Điều quan trọng là tôi nhìn vào năng lực của ứng viên và đưa ra mức đề nghị phù hợp với năng lực và thấy được sự phù hợp với doanh nghiệp. Do đó, mức đề xuất của tôi tương đối phù hợp với sự đóng góp của bạn trong doanh nghiệp.
Từ khi còn là sinh viên, anh đã là gương mặt được chú ý khi đạt giải nhất cuộc thi “Thử sức nhà tuyển dụng 2010” và được tuyển thẳng vào chương trình ‘Deloitte Graduate Program’. Anh hãy chia sẻ bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng của anh vào thời điểm còn là sinh viên?
Cần có một sự chuẩn bị tốt. Vì đợi đến gần ngày tuyển dụng mới chuẩn bị thì thua thiệt rất nhiều. Bây giờ khâu tuyển dụng người ta quan tâm đến kinh nghiệm làm việc trong quá trình sinh viên. Các bạn tham gia nhiều hoạt động, sự thể hiện tốt hơn nhiều các bạn chỉ biết học, đôi khi họ muốn những bạn có EQ cao.
Bên cạnh bằng cấp, các bạn nên có lộ trình rõ ràng từng năm cần kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm gì. Đừng để nước đến chân mới nhảy.
Năm 2010, tôi giỏi tương đối so với các bạn khác vì hồi sinh viên có đi làm thêm, đi bán hàng trên web, bán thú bông… Trải nghiệm từ những va chạm, tôi tạo cho mình năng động, tự tin trước chỗ đông người. Nghề bán hàng dạy cho mình chấp nhận sự từ chối như một phần của trò chơi. Vì bán hàng bán 10 mua 1 là may mắn rồi, chứ không có chuyện bán 10 thì có 9 người mua. Thời điểm đó tôi nhận ra rằng việc bị từ chối hoài cũng “chai mặt” nên phần thi có màn thuyết trình trước chỗ đông người, tôi cứ tưởng tượng mình đi bán hàng thôi… (Cười)
Anh sẽ đưa ra lời khuyên gì cho các bạn sinh viên?
Bất kể ngành nghề nào thì kỹ năng bán hàng cũng là một trong những kỹ năng quan trọng nhất nhờ vào nó bạn không phải lo mình ‘đói’. Kỹ năng bán hàng không có cách nào khác học được bằng cách thật sự bán hàng.
Dù bất cứ ngành nghề nào cũng cần kỹ năng đó, bởi khi quản lý doanh nghiệp nếu bạn không bán hàng được, không tuyển được người, không gọi được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư thì sẽ không có doanh thu. Nói đúng hơn là kỹ năng bán hàng sẽ nuôi bạn suốt đời.
theo thegioitiepthi