Phỏng vấn xin việc là kinh nghiệm mà nhiều người phải trải qua trước khi tìm được một nơi làm việc ưng ý. Rất nhiều bạn trẻ mới ra trường thường chuẩn bị sẵn nhiều bộ hồ sơ xin việc để có thể tìm kiếm cơ hội ở các công tiếp theo nếu không may trong đợt tuyển dụng hiện tại. Tuy nhiên, chỉ cần một chút khéo léo cũng như óc quan sát, bạn hoàn toàn có thể nhận biết dấu hiệu đậu phỏng vấn khi vừa bước ra phòng tuyển dụng mà không cần phải tìm phương án thay thế như trước.
Nhà tuyển dụng cởi mở hơn
Nếu nhà tuyển dụng có thái độ cởi mở, không cố tình hỏi xoáy mà lại tạo điều kiện cho bạn chứng tỏ năng lực, đồng thời cũng không quên phổ biến những chế độ hấp dẫn ở công ty họ thì có nghĩa là bạn đang được để mắt đến. Nếu không đánh giá cao một ứng viên thì chắc chắn rằng họ sẽ không có được thái độ thoải mái và hào hứng như vậy.
Nhà tuyển dụng tỏ ra hào hứng với những gì bạn chia sẻ
Nếu như không đánh giá ứng viên cao thì thái độ của nhà phỏng vấn sẽ kém hào hứng thấy rõ. Tuy vậy thì kinh nghiệm đi phỏng vấn cũng chỉ ra rằng bạn cũng cần cẩn thận phân biệt xem họ có hào hứng vì thực sự đánh giá cao năng lực của mình không hay đó chỉ là thái độ lịch sự chung dành cho tất cả các ứng viên.
Nhà tuyển dụng giới thiệu bạn với những thành viên khác
Nếu như sau buổi phỏng vấn, những nhà tuyển dụng ngỏ ý muốn giới thiệu bạn với các thành viên cộm cán khác của công ty thì khả năng rất cao là bạn sẽ được nhận. Đó có thể là bước chào hỏi ban đầu, là lời hứa hẹn cho một vị trí chính thức. Lúc này điều bạn cần làm là thật tự tin và chân thành, cố gắng để lại ấn tượng tốt nhất với những thành viên đó.
Nhà tuyển dụng sử dụng lối nói khẳng định thay vì lối nói giả định
Những câu hỏi phỏng vấn của nhà tuyển dụng cũng là yếu tố bạn nên chú ý. Nếu như chưa thể quyết định chính xác về một vị trí cho ứng viên thì nhà tuyển dụng thường có lối nói giả định, họ thường dùng những từ “nếu”, “trong trường hợp”, vv… Ngược lại, nếu nhà tuyển dụng nhận thấy những tố chất nổi trội nơi ứng viên, học sẽ dùng lối nói chắc chắn hơn, ví dụ như “Đây là phòng làm việc chính, mọi người sẽ hỗ trợ bạn”; “Khi nhận việc, bộ phận nhân sự sẽ chính thức giới thiệu bạn với các bộ phận chính”. Chỉ cần để ý những từ ngữ và giọng điệu của nhà tuyển dụng, bạn sẽ nhận được rất nhiều dấu hiệu khả quan mà mình mong ước.
Nhà tuyển dụng dành cho bạn nhiều thời gian phỏng vấn
Những doanh nghiệp lớn mạnh rất quý trọng thời gian, họ sẽ không muốn lãng phí thời gian của mình dành cho một ứng viên không mấy nổi bật. Thời gian phỏng vấn càng dài thì rất có khả năng rằng họ đang có hứng thú với con người và năng lực của bạn, rất có khả năng rằng bạn chính là nhân tố nổi bật nhất trong danh sách mà họ đang có.
Nhà tuyển dụng nhắc khéo về giai đoạn làm việc chính thức
Đây cũng là một trong những dấu hiệu đậu phỏng vấn khá đáng tin tưởng mà bạn nên tìm kiếm. Một lời hứa hẹn hoặc nhắc khéo như “Chúng tôi sẽ sớm liên hệ với bạn trong vòng vài ngày tới” hay “Bạn hãy đợi email của bộ phận nhân sự…” có thể xem là sự đảm bảo (chưa chính thức) về một vị trí dành cho bạn. Lúc này thì có thể họ sẽ dừng việc phỏng vấn những ứng viên tiếp theo.
Ngôn ngữ cơ thể
Tuy không phải là dấu hiệu chính xác tuyệt đối nhưng bạn vẫn có thể quan sát ngôn ngữ cơ thể của những người phỏng vấn để tìm dấu hiệu. Nếu họ thường xuyên có những cử động như gật đầu, cười mỉm, di chuyển chân, vv… Những cử chỉ này thường chỉ thoáng qua, cũng có thể chỉ là thói quen hoặc phép lịch sự của họ nhưng nếu có thì cũng đáng mừng hơn là không.
Thư phản hồi
Nếu như bạn gửi thư cảm ơn cho nhà tuyển dụng và nhận được phản hồi mau chóng thì đó cũng có thể là một dấu hiệu tốt lành, bạn sắp tìm được việc làm mình yêu thích. Thư phản hồi này thường chứa nội dung tích cực, có thể rằng họ sẽ nói rằng mình đánh giá cao năng lực của bạn, thích tính sôi nổi và lạc quan của bạn. Điều này chứng tỏ rằng bạn đã để lại được ấn tượng đẹp suốt buổi phỏng vấn vừa tham dự.
Một số cách nhận biết dấu hiệu đậu phỏng vấn khi vừa bước ra phòng tuyển dụng, hãy chú ý tới những chi tiết nhỏ để có thể tìm kiếm được cơ hội làm việc như mình mong muốn nhé.
theo JobHopin Team