Trừ những khoản chi tiêu cần thiết để duy trì cuộc sống, tôi gần như không tiêu pha thêm gì khác. Có cảm thấy thoải mái? – Không hẳn! Có thực sự hữu ích? – Có, rất nhiều. Tôi đã dùng số tiền dư còn lại đó để trả nợ và tiết kiệm cho tương lai.
Tôi bắt đầu lập blog này vào mùa hè năm 2013, khi bản thân đang ngập trong nợ nần.
Vào thời điểm đó, tôi chỉ biết cố hết sức để trang trải những chi phí tối thiếu – giống như một kẻ thất bại vậy.
Đến mức tôi phải cố tình lờ đi các cuộc điện thoại từ mấy người đòi nợ vì tôi đâu còn gì để trả cho họ. Tôi thậm chí không dám kiểm tra số dư tài khoản, bởi tôi biết chẳng có gì, chỉ có những khoản dư nợ khổng lồ.
Thế nhưng chỉ trong 6 năm, tôi đã có thể trả hết nợ và thậm chí mua cho mình ngôi nhà đầu tiên.
Nếu bạn đang phải đau đầu vì tiền bạc thì đây là bài viết dành cho bạn.
Nếu bạn không kiếm đủ tiền.
Nếu bạn phát hoảng vì những khoản nợ.
Nếu bạn nghĩ rằng không có cách nào để thoát khỏi tình cảnh này thì những trải nghiệm của tôi sẽ cho bạn thấy tất cả là có thể.
Các cách này chỉ thực sự hiệu quả khi bạn áp dụng chúng trong khoảng thời gian đủ dài.
Và cả khi bạn cảm thấy tình hình cải thiện diễn ra quá chậm – đặc biệt là trong những ngày đầu – thì tất cả những thay đổi ấy vẫn sẽ vượt ngoài sự mong đợi nếu bạn tiếp tục kiên nhẫn.
Vậy đâu là những yếu tố mà tôi tin rằng có tác động mang tính quyết định đến sự thay đổi này?
Sẵn sàng thay đổi lối sống một cách toàn diện
Chính lối sống là lí do khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy việc kiểm soát tài chính cá nhân là một việc vô cùng khó khăn. Nhưng nếu chịu đặt ra những câu hỏi về bản thân mình thì có lẽ bạn sẽ nhận ra được rằng mình đáng lẽ có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn mức hiện tại đó
Có thể bạn đang sống trong khu vực có chi phí sinh hoạt quá cao, nơi điều kiện sống không đáng với số tiền phải bỏ ra.
Có thể bạn đang sống tại thành phố nơi mà mức thu nhập trung bình khá thấp, khiến cho thu nhập của bạn cũng chẳng thể cao như mong đợi.
Hoặc có lẽ bạn đang phải làm việc trong một ngành có điều kiện phát triển kém, mức lương đạt được chẳng thể cải thiện cao như bạn mong đợi.
Tất cả những những điều trên đều là các khó khăn mà bạn có thể gặp phải hàng ngày nhưng nhiều người đơn giản là chấp nhận chúng, “được đến đâu hay đến đó”. Và dĩ nhiên nếu bạn chỉ biết than vãn sẽ chẳng cải thiện được điều gì cả. Hãy bắt tay vào thay đổi chính cuộc sống của mình từ các việc nhỏ nhặt nhất.
Dù sự thay đổi đó có thể gây khó chịu, thậm chí là đáng sợ với nhiều người, thì vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt nếu bạn may mắn được sống ở một đất nước phương Tây phát triển.
Đừng ngại nghĩ lớn để tạo ra sự thay đổi đáng kể
Trong suốt khoảng thời gian hoạt động blog này, tôi đã làm các công việc mà mình không thích chỉ đơn giản vì họ trả lương cao hơn và cho phép tôi cải thiện tình hình tài chính.
Tôi dùng khoản thu nhập ấy để trả nợ, tạo cơ hội cho tương lai.
Tôi nhảy từ lĩnh vực bán lẻ sang tiếp thị, với nhiều thời gian rảnh và mức lương hào phóng hơn.
Tôi cũng đã chuyển nhà đi rất xa, xa bạn bè và người thân, đến nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn.
Tôi chuyển đến đây không mang gì ngoài những thứ có thể đặt vừa trong xe ô tô. Chưa có nơi ở, bên người chỉ là chiếc máy tính và một vali quần áo. Tất cả những gì tôi có là bản hợp đồng của công việc mới.
Đúng vậy – thay đổi có thể khiến bạn thấy sợ. Nhưng nó cũng có thể thay đổi cả cuộc đời nếu bạn sẵn sàng nắm lấy cơ hội.
Giảm các khoản chi tiêu xuống mức tối thiểu
Hầu hết chúng ta đều chi tiêu nhiều hơn mức bản thân thực sự cần. Lúc này có thể bạn đang nghĩ không phải mình đâu – nhưng tôi tin chắc rằng ai cũng sẽ tìm được ra cách để tiêu tốn ít đi đấy.
Tôi hay cười về việc mọi người chỉ thực hiện một “tuần lễ không tiêu tiền”. Bởi vì cá nhân tôi thực hiện điều này hàng nhiều năm liền.
Không kỳ nghỉ.
Không quần áo mới.
Không ăn hàng.
Tự cắt tỉa tóc.
Được cho hạt giống và tự trồng rau lấy thức ăn.
Trừ những khoản chi tiêu cần thiết để duy trì cuộc sống, tôi gần như không tiêu pha thêm gì khác.
Có cảm thấy thoải mái? – Không hẳn
Có thực sự hữu ích? – Có, rất nhiều. Tôi đã dùng số tiền dư còn lại đó để trả nợ và tiết kiệm cho tương lai.
Có khó chịu không? Ban đầu việc không chi tiêu này thực sự rất bất tiện. Nhưng điều thú vị ở đây là con người chúng ta có khả năng thích nghi một cách đáng ngạc nhiên. Chẳng mấy chốc mà nó đã trở nên thoải mái.
Thực tế thì bạn thậm chí có thể đạt đến giới hạn như tôi đã trải qua – khi mà bản thân cảm thấy khó chịu vì số tiền bỏ ra để tiêu pha quá đà.
Thậm chí, khi bắt đầu thấy tình hình tài chính của mình thay đổi nhờ việc cắt giảm chi tiêu xuống mức tối thiểu thì bạn sẽ có thêm động lực để tiếp tục phương pháp này.
Rà soát lại chi tiêu hàng tháng
Trong thời đại của các ứng dụng thanh toán trực tiếp như thẻ ngân hàng, Apple Pay, Paypal,… thì khá khó để kiểm soát được mức tiền chi tiêu. Chúng ta tiêu tiền theo nhiều cách, rất dễ dàng, đến nỗi bản thân đã đốt hết số tiền khổng lồ mà không hề nhận ra.
Một ngày nọ bạn nhìn vào tài khoản ngân hàng của mình và tự hỏi tiền của mình đã đi đâu.
Thậm chí cho đến hôm nay tôi vẫn thực hiện việc đánh giá mức chi tiêu thường xuyên. Mỗi tháng. Đều đặn như cái máy.
Tôi gom các bản sao kê ngân hàng lại và tra chính xác tiền của mình đã dùng vào việc gì trong những tuần trước.
Tôi soát lại mọi khoản giao dịch. Ví dụ, mới đây khi hợp đồng điện thoại di động của tôi hết hạn, nhà mạng không hề thông báo mà lại tăng hóa đơn gấp hai lần. Tôi phát hiện ra ngay lập tức nhờ việc soát lại chi tiêu của mình. Sau đó, tôi yêu cầu được bồi thường số tiền họ đã lấy mà không có sự cho phép và chuyển sang dùng một nhà mạng rẻ hơn.
Nhiều người không để ý điều này trong nhiều tháng – nếu có – và vô tình đã làm mất khoản tiền khổng lồ không cần thiết.
Tôi cũng thử xem các khoản chi tiêu thường xuyên của mình liệu có thể giảm bớt được nữa, hay bỏ hẳn không.
Xem lại liệu bạn có thể tiêu ít hơn vào cửa hàng tạp hóa, bảo hiểm xe hơi hoặc quà Giáng sinh được không.
Liệu bạn đã dùng các loại thẻ hay ứng dụng hoàn tiền chưa?
Bạn đã tham gia chương trình khách hàng thân thiết để tích điểm thưởng chưa?
Hay là đổi sang nhà cung cấp khác để tiết kiệm hơn?
Đừng bị động. Đừng cho rằng không còn cách để tối ưu hóa nữa. Mỗi tháng hãy lại tìm thêm nhiều cách. Bạn sẽ rất ngạc nhiên nếu thực sự kiên nhẫn.
Bất tiện trong chốc lát vì tương lai tốt đẹp hơn
Thay đổi càng lớn thì bất tiện càng nhiều.
Có thể bạn phải kiếm thêm công việc thứ hai hoặc làm thêm giờ.
Có thể bạn phải hủy gói TV đắt tiền yêu thích hoặc hi sinh các chuyến du lịch nước ngoài xa hoa.
Có lẽ đó là lý do tại sao nhiều người phản đối những thay đổi này.
Rốt cuộc, khi phải vật lộn trang trải các khoản nợ, điều cuối cùng bạn thực sự muốn làm chỉ là chồng chất thêm nhiều sự khó chịu.
Tuy nhiên hãy nhớ rằng sự khó chịu này chỉ là tạm thời. Và tác động tích cực của nó đến cuộc sống bạn lâu dài hơn nhiều. Như việc tôi đã phải dành bốn năm làm việc công việc bản thân cực kỳ ghét, nhưng nó lại giúp tôi thoát khỏi cảnh nợ nần và cải thiện mức sống.
Vì vậy, nếu thực sự muốn cải thiện tình hình tài chính cá nhân, hãy chấp nhận rằng bạn có thể sẽ phải làm một số việc mà bản thân không muốn làm.
Hãy cố gắng chịu đựng!
Chẳng mấy chốc nó sẽ trôi qua và bạn sẽ nhận được thành quả.
Hải Đăng
Theo Tri Thức Trẻ