Tập 4 của Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance mùa 5 mở đầu với cuộc so tài của cặp ứng viên đầy kinh nghiệm trong ngành tài chính, kinh doanh: Huỳnh Ngọc Bên (35 tuổi, Bến Tre) có hơn 10 năm điều hành, phát triển kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại các tập đoàn xuyên quốc gia và Trần Lan Anh (31 tuổi, Thái Bình) hơn 9 năm làm việc đa vị trí, đa cấp bậc ở khối kinh doanh của một ngân hàng lớn tại Việt Nam, gần 5 năm làm vị trí Trưởng phòng Kinh doanh khách hàng doanh nghiệp.
“Nhân viên nên tự hào vì được tăng ca”
Chương trình đã đưa ra chủ đề trong phần Đối mặt dành cho 2 ứng viên là: “Có ý kiến cho rằng, chỉ công ty quản lý yếu kém mới giao việc và bắt nhân viên làm việc ngoài giờ. Bạn đồng tình hay phản đối ý kiến trên” . Cả Ngọc Bên và Lan Anh thống nhất quan điểm không đồng tình với quan điểm này mỗi ứng viên lại đưa ra những lý lẽ riêng để bảo vệ nhận định của bản thân.
Đáng chú ý, ứng viên Lan Anh nhận định: “Ở phương diện người lao động cần suy nghĩ tích cực, thay vì nghĩ công ty giao thêm việc cho mình thì nên cảm thấy tự hào vì được đồng hành cùng một công ty đang trên đà phát triển. Còn ở phương diện của công ty thì nên lựa chọn đúng nhân sự ngay từ đầu; cho nhân viên biết tầm nhìn, sứ mệnh để họ đồng sức đồng lòng phát triển cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công ty cần đặc biệt chú trọng phúc lợi về lương, thưởng, cơ hội thăng tiến để người lao động cảm thấy những gì họ hy sinh cho công ty là xứng đáng”
Mặt khác, ứng viên Lan Anh chỉ ra những lo ngại nếu làm thêm ngoài giờ thường xuyên, khiến nhân viên mất cân bằng và không có thời gian tái tạo sức lao động. Và các công ty cũng không nên lạm dụng ép nhân viên tăng ca nếu muốn tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng. Chốt lại vấn đề, Lan Anh khẳng định bản thân không đồng ý 95% với ý kiến trong chủ đề tranh biện. Nữ ứng viên này cho biết nếu công ty yêu cầu, bản thân cô sẵn sàng làm việc ngoài giờ.
Sếp Hiếu đặt câu hỏi hóc búa cho cả 2 ứng viên “Nhân viên trong giờ làm việc riêng và cố vênh thời gian ra để làm OT(overtime), rõ ràng theo luật lao động của Việt Nam chúng ta là nếu làm ngoài giờ thì sẽ phải trả tối thiểu 150%, nếu tình huống này xảy ra thì giải pháp của bạn là gì?”.
Ứng viên Lan Anh đưa ra giải pháp đặt ra thời gian thử thách dành cho nhân viên dưới sự quan sát, đào tạo chặt chẽ từ phía công ty để nhân sự tốt lên từng ngày. Nếu nhân viên không thay đổi, 8 tiếng đi làm không có sự đầu tư công sức hợp lý sẽ cho thấy họ không phù hợp hoặc không có thái độ cầu thị, cần có định hướng khác.
Trong khi đó Ngọc Bên cho rằng không nên áp đặt thời gian làm việc 8 tiếng cố định mà cần tạo cho nhân viên tinh thần làm việc tự nguyện nhất. Công ty càng có các chính sách linh động, nhận thưởng theo kết quả theo tháng, quý, năm để ai cũng vui vẻ, có động lực làm việc.
Chốt lại vấn đề cho vòng tranh luận này, Sếp Vũ Anh chia sẻ: “Một doanh nghiệp mà bắt các nhân viên làm overtime mãi mãi thì không bình thường lắm nhưng thật ra cũng sẽ tùy thuộc vào văn hoá công ty. Mỗi người có thể tùy chọn sao cho phù hợp với công việc của mình để giải quyết tất cả mọi thứ sao cho phù hợp với văn hoá công ty chứ cũng không có 1 câu trả lời nhất định”, Sếp Vũ Anh chia sẻ.
MC Đinh Tiến Dũng cũng đồng tình với quan điểm này vì làm thêm giờ hay không cũng tuỳ thuộc vào công việc chúng ta đang đảm nhận, là công việc đòi hỏi sự sáng tạo bay bổng hay công việc có mối liên kết với các vị trí khác, không thể chậm tiến độ. Kết thúc phần tranh luận , ứng viên Trần Lan Anh được 4 chọn từ các Sếp và bước vào vòng 2 chinh phục của chương trình.
Mạnh dạn thương lượng, thành công chốt deal lương 28 triệu đồng/tháng với sếp Hiếu
Trong vòng 2 Chinh Phục, Sếp Hiếu là người đầu tiên ra câu hỏi cho Lan Anh: “Trước đây bạn là trưởng phòng kinh doanh B2B trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, vậy làm thế nào để các khách hàng trước đây của bạn trở thành khách hàng của bánh Bảo Ngọc”.
Ứng viên 31 tuổi đề xuất sự hợp tác giữa Bảo Ngọc và công ty cũ của cô để cả 2 bên cùng có lợi. “Với khách hàng ở công ty cũ, đã là một nguồn tài nguyên của công ty, họ đã đầu tư rất nhiều công sức để có nguồn data như vậy nên em hy vọng là Bảo Ngọc và công ty cũ của em có thể sẽ có những hợp tác để 2 bên cùng có lợi, bên Bảo Ngọc sẽ dần chuyển giao dịch về đơn vị cũ của bên em đồng thời bên đơn vị cũ của bên em sẽ liên kết những tệp khách hàng cũ của bên công ty cũ để làm sao cả 2 cùng phát triển được” , Lan Anh nói.
Những câu hỏi về cấp bậc, số lượng nhân viên đang quản lý và cách training cho nhân sự team từ Sếp Hiếu, Sếp Tiến và Sếp Vũ Linh cũng như đề bài case study trực tiếp về doanh nghiệp Cốc Cốc và Atlantic của Sếp Lan và Sếp Vũ Anh đều không làm khó được Lan Anh. Màn thể hiện ấn tượng nhưng ứng viên tiềm năng này lại chỉ nhận được 2 chọn từ Sếp Hiếu và Sếp Vũ Linh, đủ để bước vào vòng 3 chương trình.
Vì Sếp Hiếu đưa ra mức offer 25.000.000 đồng/tháng thấp hơn kỳ vọng nên Lan Anh đã lựa chọn Quyền thương lượng để chinh phục Sếp Hiếu tăng lương. Ứng viên 31 tuổi đã đưa ra một chiến lược để phát triển thêm mảng doanh nghiệp B2B cho Bảo Ngọc và cho biết có thể kiêm nhiệm vị trí giảng viên nội bộ liên quan đến việc đào tạo đội ngũ kinh doanh.
Sau quá trình thương lượng, sếp Hiếu đã mở offer vị trí ASM (Area Sales Manager) kênh khách hàng doanh nghiệp và đào tạo team sale với mức lương 28.000.000 đồng/tháng. Như vậy ứng viên Trần Lan Anh đã chính thức chốt deal và về làm tại Bảo Ngọc.