“Thành công của con người đôi khi không phải là vị trí của mình đang đứng, mà là vượt qua bao nhiêu thử thách”, MC Thành Trung nói với ứng viên từng giữ vị trí Giám đốc nhân sự thua trước đàn em kém gần chục năm kinh nghiệm.
“Cơ hội cho ai? – Whose chance?” tập 3 đã chứng kiến màn “đối đầu” tưởng như không cân xứng giữa một cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) 4 năm kinh nghiệm ở 2 startup và một Giám đốc nhân sự 13 năm kinh nghiệm.
Tình huống đặt ra cho 2 ứng viên là câu chuyện tưởng như muôn thuở tại văn phòng: “Ma cũ” bắt nạt “ma mới”.
Tưới cây, giao tài liệu, nhận đồ ship… là những việc đổ dồn lên người mới nhận việc ngày đầu, trong khi việc công ty cần làm dồn cả đống.
Ứng viên Bùi Đoàn Chung, 35 tuổi, từng làm Giám đốc nhân sự cho rằng đây là một hiện tượng phổ biến trong môi trường công sở, mà nguyên nhân là do không có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ về nội quy lao động, cho đến những vấn đề đào tạo nhân viên trong giai đoạn đầu tiên.
“Giải pháp là công ty phải xây dựng hệ thống, quá trình hội nhập cho nhân viên một cách bài bản, tránh việc các bạn cảm thấy bơ vơ, lạc lõng trong những ngày đầu, để họ cảm nhận được là đây mới chính là ngôi nhà của họ và họ cảm nhận được đối với công ty này, họ là một phần quan trọng“, Chung nói.
Trương Thị Hà Trang, cô gái 25 tuổi đến với 4 năm kinh nghiệm tại 2 startup thì cho rằng có những vấn đề mà quy trình không thể trình bày được rõ hết.
“Những nhân sự trong công ty, họ hoàn toàn đã hiểu về văn hóa, cách làm việc, bộ máy, chỉ là cách họ giao việc như thế nào cho phù hợp. Vấn đề là ai là người giao việc để việc đó được thực thi tốt nhất. Và ai sẽ là người đánh giá công việc đó”.
“Đôi khi, cách bắt nạt này được chuyển đổi một cách tích cực hơn. Các bạn được phân bố nhiều công việc, các bạn chủ động hơn trong việc tìm kiếm nhóm công việc này để làm. Với những bạn thuộc thế hệ Gen Z và Millennials, các bạn sẽ hình dung là muốn đón nhận càng nhiều công việc càng tốt, nên các bạn rất sẵn lòng với điều đó”, Trang nói.
Không thỏa mãn với cả 2 câu trả lời, bà Lưu Nga – CEO Elise – đặt vấn đề cho cả 2 ứng viên: “Làm thế nào giải quyết được trò sai vặt?”
Chung cho rằng việc đầu tiên cần làm là sửa nội quy công ty, CEO Elise phản bác khi không phải nhân sự mới nào cũng có bản lĩnh để tố cáo nhân sự cũ.
Trong khi đó, Trang đề xuất 3 giải pháp trực diện hơn:
1- Phân bổ rõ vai trò của từng nhóm đối tượng. Khi có một quy trình rõ ràng cho vai trò của từng đối tượng rồi thì căn cứ theo đó để thực hiện
2- Đánh giá: Ở đây không chỉ đơn thuần đánh giá về trách nhiệm công việc, kết quả công việc, mà có thể đánh giá về hành vi, thái độ.
“Không phải câu chuyện viết một bản tố cáo, mà có thể đánh giá ở góc độ hài lòng hay không hài lòng. Từ đó, một người quản lý giỏi có thể biết và tìm được nguồn gốc vấn đề “sai vặt” ở đâu”, Trang nói.
3- Có sự thay đổi và luân chuyển nhân sự. Việc thay đổi và luân chuyển nhân sự này khiến người ta luôn có tư duy PHẢI HỌC chứ không phải SAI VIỆC cho người khác.
Kết quả tuyệt đối dành cho Trang, với 7/7 phiếu, trong đó 6 phiếu từ 6 sếp và phần bình chọn từ khán giả cũng chọn Hà Trang.
“Thành công của con người đôi khi không phải là vị trí của mình đang đứng, mà là vượt qua bao nhiêu thử thách“, MC Thành Trung nói với ứng viên từng giữ vị trí Giám đốc nhân sự.
“Cảm ơn anh đã nhường em“, Trang nói với Chung trước khi bước vào vòng trong.
Trong vòng chung cuộc, Trang quyết định đầu quân về PNJ của CEO Lê Trí Thông, với mức lương 30.201.011 đồng/tháng.
Theo Bảo Bảo – VietnamBiz