“Cơ hội cho ai – Whose Chance” giúp người xem có thêm thông tin đời sống và tìm được việc làm phù hợp cho bản thân.
Trải qua 12 tập phát sóng đến nay “Cơ hội cho ai” đã nhận được hiệu ứng tốt từ khán giả. Chương trình mở ra cánh cửa bí mật về thị trường việc làm. Các ứng viên – người lao động và 6 sếp là lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, công khai phỏng vấn, thương lượng về công việc và mức lương cùng chế độ đãi ngộ.
Format chương trình gồm ba vòng thi: Đối mặt – Chinh phục – Cơ hội cho ai. Ở vòng Đối mặt, hai ứng viên sẽ dùng khả năng của mình để thuyết phục các sếp và khán giả trao cơ hội, chỉ một người được bước tiếp vào vòng trong. Ngay đầu vòng hai – Chinh phục, ứng viên đi tiếp sẽ nhập số mức lương kỳ vọng vào chiếc valy bí mật trước sự chứng kiến của MC Lại Văn Sâm, luật chơi là mức đó phải nhỏ hơn hoặc bằng với mức lương đề nghị từ các sếp tuyển dụng thì ứng viên mới được nhận công việc.
Qua 2/3 chặng đường phát sóng, ngoại trừ một số ít trường hợp tự đưa ra mức lương kỳ vọng cao khiến bị loại trong tiếc nuối thì phần nhiều ứng viên tỏ ra tự tin, “biết mình biết người” và tìm được công việc tốt. Tới hết tập 12, đã có 13 ứng viên tìm được công việc, Phạm Thị Nhung là người đàm phán được mức lương cao nhất (45.678.900 triệu đồng) tiếp sau là cô Quốc Tuấn và Kiến Trúc với mức lương 40 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Dịch vụ Tuyển dụng và Tư vấn Nhân sự của tập đoàn đa quốc gia VN, điều hấp dẫn của chương trình là thông qua những màn đàm phán với các “sếp”, ứng viên không chỉ bộc lộ bản lĩnh, cá tính từng người, mà nhiều câu chuyện “bí mật” trong tuyển dụng, dùng người cũng được các “sếp” tiết lộ, mức lương ký kết được công khai, mang đến nhiều thông tin hữu ích cho khán giả.
Những ứng viên trẻ như Ý Nhi, Phương Thy chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, khi được 6 sếp trao cơ hội, cách họ đưa ra quyết định đầu quân cho sếp nào dựa nhiều vào cảm xúc. Trong khi đó, với các ứng viên đã bươn chải nhiều hơn như Quốc Tuấn (34 tuổi) hay Tiến Quyết (22 tuổi nhưng đã làm truyền thông tại các tập đoàn đa quốc gia) thì có cách phân tích chọn lựa cơ hội việc làm, mức lương thưởng một cách sắc bén. Cả hai đều sẵn sàng từ chối sếp đưa ra đề nghị cao hơn để đến với môi trường làm việc theo họ là phù hợp và có cơ hội phát triển tốt.
Trường hợp hi hữu xảy ra là ứng viên Trung Kiên 22 tuổi nhận được hai vị trí với lương lên tới 30 triệu đồng nhưng đã từ chối không nhận việc vì cho rằng mình cần học tập, trau dồi hơn nữa để có thể đáp ứng được mong muốn từ đơn vị tuyển dụng.
“Chương trình mang đến những góc nhìn cho người lao động, như cần có định hướng nghề nghiệp rõ ràng; đề xuất, tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực của bản thân; thể hiện rõ những giá trị có thể mang lại cho doanh nghiệp, thay vì chỉ tập trung vào thương lượng những con số lương thưởng”, sếp Phùng Tuấn Hà – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp dầu khí chia sẻ.
Sau hơn nửa chặng đường phát sóng, các doanh nghiệp đều tạo điều kiện cho ứng viên đi làm theo như cam kết. Về luật chơi, “Cơ hội cho ai” có những điều chỉnh hợp lý hơn cho phần bình chọn hai ứng viên ở vòng Đối mặt kể từ tập thứ 9. Qua đó, chương trình ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ, theo dõi của khán giả bởi những giá trị thiết thực, thông tin hữu ích về thị trường lao động, cách thức tuyển dụng, mặt bằng tiền lương, bí quyết thăng tiến trong sự nghiệp…
theo 24h