Ra trường trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, nhiều sinh viên cho rằng cơ hội tìm kiếm việc làm đầu tiên đã khó khăn, nay còn trắc trở hơn.
Nắm bắt được nỗi băn khoăn đó, Whose Chance Talk tập 6 với chủ đề: Bí quyết bắt đầu sự nghiệp dành cho sinh viên mới ra trường được thực hiện để phần nào “gỡ rối” cho các bạn sinh viên nói riêng, người lao động trẻ nói chung. Chương trình có sự góp mặt của hai chuyên gia: PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), và chị Lý Ngọc Trân – Giám đốc Dịch vụ Nhân sự thuê ngoài và Tuyển dụng Nhân sự cấp cao – Talentnet.
Không có công việc nào có tất cả
Mở đầu trò chuyện, PGS.TS. Trần Thành Nam đã đưa ra quan điểm đồng tình trước nhận định của một sếp trong chương trình Cơ Hội Cho Ai mùa 2: “Sai lầm cả tuổi trẻ là muốn quá nhiều!” Anh Nam cho rằng sở dĩ các bạn trẻ muốn quá nhiều là vì các bạn biết hơi ít. Từ đó, anh đưa ra 4 trụ cột năng lực mà người đi làm cần phải trang bị tước khi bước chân vào thị trường lao động. Đó là: Năng lực công dân toàn cầu; Năng lực sáng tạo đổi mới; Năng lực thích ứng; Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông.
Từ góc nhìn của một chuyên gia về nhân sự, chị Lý Ngọc Trân nêu rõ 5 điều mà nhà tuyển dụng mong đợi ở ứng viên mới ra trường đi xin việc. Đầu tiên là khả năng giao tiếp, trình bày vấn đề, kế đến là tư duy thái độ, ứng xử qua các sự việc; Khả năng phối hợp làm việc với người khác; Tiềm năng lãnh đạo; Khả năng tự học hỏi. Bên cạnh đó, chị Lý Ngọc Trân cũng nhiều lần nhấn mạnh điều tiên quyết để “săn” được công việc như ý, đó là các bạn sinh viên phải xác định được mục tiêu và năng lực hiện có của mình. Chị khẳng định công việc không hề thiếu. So với thế hệ đi trước, ưu thế của người trẻ hiện nay là họ rất nhiều “kênh” để tìm kiếm vị trí phù hợp cho mình.
“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”
Khi mới bước chân vào thị trường lao động, không ít sinh viên mới tốt nghiệp phải đối mặt với nỗi sợ không biết bản thân làm được gì, trong khi mô tả công việc của nhà tuyển dụng lại đưa ra quá nhiều yêu cầu. Để vượt qua nỗi sợ đó, PGS.TS. Trần Thành Nam khuyên các bạn trẻ nên thẳng thắn đối mặt, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ những thầy cô hướng dẫn, anh chị đi trước. Thậm chí, các bạn có thể chủ động kết nối với những “nhân vật trong ngành” để xin lời khuyên. Ngoài ra, các bạn hoàn toàn có thể “rải CV” nếu chưa thật sự biết mình muốn gì.
Bổ sung ý kiến của PGS.TS. Trần Thành Nam, chuyên gia nhân sự Lý Ngọc Trân cho rằng các bạn trẻ nên chọn lọc khi rải CV. Điều này sẽ giúp cả ứng viên và nhà tuyển dụng tiết kiệm được thời gian, công sức. Tiếp đó, chị Lý Ngọc Trân đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích khi viết CV dành cho hai nhóm đối tượng: sinh viên có quá nhiều thứ để viết và sinh viên không biết viết gì.
Rõ ràng, cơ hội luôn có nhưng chỉ dành cho những ai đã sẵn sàng. Và sự tự tin chỉ đủ khi bạn đã chuẩn bị kỹ càng.
Whose Chance Talk là talkshow bên lề của chương trình Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance – chương trình truyền hình thực tế số 1 về việc làm tại Việt Nam. Những chủ đề, những câu chuyện và khách mời WhoseChance Talk giới thiệu sẽ mang đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích, kinh nghiệm sẽ hữu dụng cho các bạn trên con đường xây dựng phát triển sự nghiệp và hoàn thiện bản thân.
Hiện tại, chương trình Cơ Hội Cho Ai đang tiến hành casting cho mùa 3. Đăng ký tại: http://cohoichoai.com/dang-ky-ung-tuyen-2/