Từ Quy Nhơn đến TP.HCM học Đại Học, Phan Thị Ý Nhi – người sở hữu lý lịch “khủng” khiến nhiều sếp phải nể phục có câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ về việc chiến thắng chính bản thân mình sau khi tham gia chương trình “Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance”.
Thông thường, các bạn trẻ thường chọn mức lương cao khi đi làm, nhưng bạn Ý Nhi từ chối mức lương cao của sếp Hùng. Lý giải về sự lựa chọn này, Ý Nhi cho hay: “Đó là mức lương rất cao, đối với một sinh viên mới ra trường như em. Em chọn Sếp Nga vì sếp có nhiều cảm xúc giống như em, em tìm thấy sự đồng cảm“. Cô sinh viên mới tốt nghiệp đã chọn doanh nghiệp phù hợp với năng lực của bản thân, với hy vọng được thể hiện khả năng, giá trị của mình. Tuy từ chối nhưng Ý Nhi rất ấn tượng với sếp Hùng – người đã chia sẻ điểm giống nhau với thí sinh tại chương trình: “Tôi có hai cái giống em, thứ nhất là tôi xuất thân từ nông dân. Thứ hai, năm 2011, có đại dịch cúm gia cầm và tôi bị trầm cảm vì trắng tay”.
Ý Nhi cho biết mình rất thích sếp Hùng vì đây là người sếp biết “khơi chuyện để em chia sẻ những điều bộc lộ năng lực của mình”. Cô bé rất ngạc nhiên khi có một ngày được diện kiến 6 “sếp” lớn rất thân thiện tại chương trình “Cơ Hội Cho Ai”. Ý Nhi tìm thấy sự đồng cảm từ sếp Hà, sếp Nga và sếp Hùng bởi những lời động viên khi em đang thể hiện phần thi của mình trong chương trình.
Luôn dằn vặt bản thân bởi căn bệnh trầm cảm
Khi gia đình bị rơi vào một khoản nợ lớn, Ý Nhi bị trầm cảm trong suốt 3 năm học Đại học từ 2015-2018. Bị bạn bè xa lánh, không muốn làm thành viên chung nhóm khi thuyết trình ở các môn học, Nhi luôn là thành viên cuối cùng trong nhóm thiếu người, “không ai thích chung nhóm với một người không thích nói chuyện và ngồi một góc như vậy”, Nhi tâm sự. Ý Nhi cảm thấy cô đơn trong quãng thời gian là sinh viên với căn bệnh trầm cảm này, vì luôn tự dằn vặt bản thân mình là con cả nên gánh trách nhiệm gia đình và lo cho em gái. Cô luôn tự trách bản thân không làm được gì và tự làm đau mình, tự đổ lỗi cho bản thân bằng cách làm giải tỏa như cắt tay, cắt chân… Đỉnh điểm là vào năm 2017, em đã tự cắt vào động mạch tay với vết cắt khá sâu và phải vào bệnh viện chữa trị. Mặc dù đã chủ động đi gặp bác sỹ từ năm 2016 nhưng kết quả không khả quan hơn khi bác sỹ chỉ đưa ra những lời tư vấn là phải gặp gỡ nhiều người, tiếp xúc với đám đông nhưng Nhi không biết phải làm thế nào để vượt qua khỏi nỗi sợ của bản thân để giao tiếp với mọi người. Mỗi khi bị căng thẳng trong việc học và cuộc sống, “em không chia sẻ với ai, vì mình chia sẻ người ta không hiểu khi không ở vị trí của mình. Em có thói quen quay vlog, dùng laptop tự nói với bản thân hàng ngày”, Nhi kể lại.
Thời gian cao điểm em bị căng thẳng thật sự là vào năm 2016 khi xin việc bán thời gian bị từ chối và thi vào làm thành viên các câu lạc bộ trong trường đều bị rớt. Từ đó, Nhi tự dằn vặt bản thân nhiều hơn bởi đây là những việc mà hầu như các sinh viên khác đều làm được.
Từ tháng 9/2018, nhận thấy xã hội không có chỗ cho người hướng nội, Ý Nhi quyết định “lừa đảo” bản thân bằng cách lập kế hoạch cho mình bằng cách trở thành người hướng ngoại, tham gia làm đại sứ cho chương trình của Lãnh sự quán Mỹ tổ chức, nhờ khả năng tiếng Anh tốt. Nhiệm vụ chính của chương trình là đại diện hình ảnh, đưa chương trình giới thiệu đến học sinh, sinh viên. Đây là chương trình đầu tiên trong hoạt động của bản thân trong công việc của Ý Nhi. Thời gian đầu khi lừa đối bản thân, Nhi rất khó chịu vì không biết có vượt qua được những khó khăn của bản thân không. Sau một năm, Ý Nhi đã mạnh dạn tiếp tục tham gia một kế hoạch thứ 2 là tham gia chương trình “Cơ Hội Cho Ai- Whose Chance”.
Chiến thắng chính mình khi thoát khỏi vùng an toàn của bản thân
Tự nhận xét mình thi chưa tốt và rất tệ do để cảm xúc chi phối trong phần thi. “Nhờ cuộc thi, em thấy tự tin hơn, bạn bè nhìn em khác hơn. Và cái quan trong nhất là em đã chiến thắng chính mình”. Nếu như trước đây Ý Nhi luôn nghi ngờ bản thân, thì sau khi tham gia chương trình, cô thấy mình đã vượt ra vùng an toàn để nhận thấy được điểm mạnh và điểm yếu của mình. Đặc biệt, trước đây mọi người đều tránh xa vì nghĩ là em trầm cảm, tự kỷ, nhưng khi đứng trước các sếp tại chương trình, nhận được lời động viên, cô vui và “đơ” cả người.
Ý nghĩa lớn hơn mà Nhi làm được sau chương trình là truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đang mắc phải tình trạng như mình: “Em cũng muốn chia sẻ để các bạn giống mình thoát khỏi được bệnh trầm cảm, vì bệnh đó nói chung là do ảnh hưởng bởi tâm lý nhưng thật sự rất nguy hiểm. Em từng trải qua cảnh nguy hiểm do nó gây ra rồi nên em không muốn người khác giống em mà phải vượt qua nó trước khi nó giết mình”.
Là người không dám chia sẻ mục tiêu của bản thân vì sợ mình không thực hiện được, quan điểm của Nhi khi đi làm là bắt đầu những việc nhỏ theo cách lớn nhất. Khi còn là sinh viên, Nhi đã từng làm marketing, viết bài quảng cáo sản phẩm cho một cửa hàng bán thức uống detox cơ thể. Nhi đã rút ra bài học từ việc đặt hashtag thế nào cho hợp lý sau khi bị sếp la, từ đó Nhi rút kinh nghiệm nên tìm hiểu mọi thứ trước khi đi làm.
Cô đã chuẩn bị tinh thần rất nhiều trước thời gian chính thức làm việc ở Thời Trang Elise vào 15/10/2019 tại Hà Nội. Ý Nhi xác định sẽ học lại từ đầu về mọi thứ để thích nghi với môi trường công sở.
“Mẹ em đã động viên rằng sau khi tham gia chương trình “Cơ Hội Cho Ai- Whose Chance” là đã chứng minh được thực lực rồi”, Nhi chia sẻ. Ý Nhi đã mất ngủ 2 tuần trước khi tham gia chương trình và chấp nhận “cá cược” với bản thân. Nếu làm được thì tốt còn không được thì sẽ tệ hơn người bình thường. Nhi không muốn mình sẽ rơi vào khủng hoảng một lần nữa.
theo phongcachtreonline