CEO ASIM Vũ Minh Trí cho rằng văn hóa làm việc “996” – đi làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần – là một văn hóa rất hay. “Nếu chúng ta không thông minh bằng, chúng ta đi sau, thì bắt buộc chúng ta phải 996. Trong điều kiện chúng ta đi sau mà còn muốn nghỉ ngơi thì đó là chuyện rất không hợp lý”, ông Trí bày tỏ quan điểm.
Ông Vũ Minh Trí – Tổng Giám đốc ASIM.
” Cơ hội cho ai ” vừa đưa ra một chủ đề không chỉ gây tranh cãi giữa các ứng viên tranh tuyển, mà còn thu hút tranh luận từ các CEO ngồi ghế nóng.
Doanh nghiệp Việt có nên thử nghiệm chính sách đi làm 4 ngày/tuần?
Chủ đề phản biện chương trình đưa ra là: “Doanh nghiệp Việt Nam có nên thử nghiệm áp dụng chính sách đi làm 4 ngày/ tuần, thời gian làm việc trong tuần không quá 40 tiếng?”
Lưu Trí Quang (24 tuổi), tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương hoàn toàn đồng tình với quan điểm trên. Anh lấy dẫn chứng từ việc các nước tiên tiến trên thế giới như Iceland, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thử nghiệm áp dụng chính sách đi làm 4 ngày/tuần và đạt được hiệu quả nhất định. Nam ứng viên cho rằng việc này sẽ gia tăng trải nghiệm làm việc của người lao động, giúp họ giảm đi các áp lực trong công việc, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Ngoài ra, chính sách này cũng giúp doanh nghiệp gia tăng việc làm cho người lao động, giữa lúc Việt Nam đang thừa khá nhiều lao động.
Ngược lại với đối thủ, Nguyễn Hoài Thu (25 tuổi), tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam không nên áp dụng chính sách đi làm 4 ngày/tuần.
Lý do Thu đưa ra là không phải doanh nghiệp nào cũng phù hợp để áp dụng chính sách này. Việt Nam là một nước mạnh về sản xuất, việc làm việc 4 ngày sẽ làm giảm năng suất tạo ra sản phẩm, làm giảm ưu thế cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế. Mặt khác, Thu cho rằng việc nghỉ 3 ngày/tuần sẽ làm người lao động khó quay trở lại với guồng công việc.
Trong những ngày nghỉ này, có người sẽ cân bằng cuộc sống, thư giãn cùng gia đình, nhưng cũng có người sẽ dùng để làm một vài công việc khác.
Mức tăng năng suất lao động người Việt đang ngày một chậm, đi sau mà còn muốn nghỉ ngơi có phải chuyện hợp lý?
Liên quan đến câu chuyện có nên thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần, ông Vũ Minh Trí – Tổng Giám đốc Tập đoàn ASIM cho rằng: “ Ngày xưa, muốn cạnh tranh được thì phải có của cải, vật chất – là những ngành công nghiệp nặng. Nhưng khi cách mạng 4.0 xảy ra, các nước châu Á mới thấy rằng có internet, có phần mềm, thì sẽ có những thứ rút ngắn khoảng cách rất nhanh”.
“ Từ đó có một văn hóa rất hay là văn hóa 996, nghĩa là đi làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần. Nếu chúng ta không thông minh bằng, chúng ta đi sau, thì bắt buộc chúng ta phải 996. Còn nếu chúng ta thông minh hơn, chúng ta đi trước, thấy có khoảng cách thì chúng ta có thời gian để nghỉ ngơi, thì lúc đó mới nên suy nghĩ đi làm 4 ngày/tuần, và sau 40 tiếng làm việc thì chúng ta làm gì. Trong điều kiện chúng ta đi sau mà còn muốn nghỉ ngơi thì đó là chuyện rất không hợp lý ”, ông Trí nêu quan điểm.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện.
Ảnh minh họa. Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn.
Theo tính toán của nhóm chuyên gia, các nhà nghiên cứu tại ĐH Kinh tế quốc dân tham khảo từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố hồi cuối tháng 3/2021, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 tính theo giá so sánh năm 2010 chỉ tăng 5,4% (năm 2019 là 6,2%), là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trong giai đoạn 2011 – 2020, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam là 5,1%, cao hơn mức trung bình của ASEAN, chỉ đứng sau Campuchia. Nhưng nếu so sánh thì mức tăng này vẫn thấp hơn Trung Quốc là 7% và Ấn Độ là 6%.
Công bố của nhóm nghiên cứu đưa ra tại hội thảo đánh giá thường niên nền kinh tế Việt Nam, ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19, hướng tới phục hồi và phát triển do ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức, nhận định mức tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác gia. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Tung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan.
Theo Bình An – Nhịp sống thị trường