Thị trường lao động trong kỷ nguyên 4.0: Cần chính sách tiếp cận hệ thống

2019-07-15 12:07

Trong thời gian gần đây chính sách về việc làm của Việt Nam đã có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể hưởng lợi tối đa từ thương mại tự do, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện các chính sách thị trường lao động bao gồm cả cách tiếp cận có hệ thống nhằm cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động đang ngày một gia tăng về số lượng.

Chuyển biến khả quan

Theo Tổng cục Thống kê, nhờ chính sách cải cách hành chính tiếp tục phát huy hiệu quả và tác động tích cực từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết, nên tình hình lao động, việc làm trong 9 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, tính đến tháng 10/2018, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính là 54,1 triệu người, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương 9 tháng qua là 5,8 triệu đồng, tăng 381.000 đồng so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 (tăng 444.500 đồng)…

Báo cáo về bức tranh thị trường nhân lực năm 2018 vừa được Công ty tuyển dụng, việc làm Việt Nam (VietnamWorks) công bố đầu tháng 12 cũng cho biết, bức tranh thị trường nhân lực năm 2018 của Việt Nam có nhiều khởi sắc. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh vẫn duy trì vị trí đứng đầu cả về nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất và nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng mạnh nhất dựa trên chỉ số công việc đăng tuyển với 15%.

Đáng chú ý, mặc dù Hà Nội đứng thứ 2 về nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong năm 2018, nhưng chỉ đứng thứ 8 với 3% tăng trưởng. Các vị trí tiếp theo: Bình Dương và Hải Phòng cùng tăng 12%; Hải Dương tăng 9%; Hưng Yên tăng 5%. Về tổng quan, nhu cầu tuyển dụng trực tuyến trên toàn quốc năm 2018 tăng 11% so với năm 2017.

Đánh giá về bức tranh thị trường lao động trong năm 2018, theo Tổng cục Thống kê, có được kết quả trên là nhờ nhiều chính sách cải cách, đổi mới trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả như chính sách về đất đai, tín dụng, cải cách hành chính cải thiện môi trường kinh doanh, cùng những tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, kéo theo việc làm tăng mạnh.

Đồng thời, cơ cấu lao động tiếp tục dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Thị trường lao động sẽ sôi động

Có thể thấy, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách về việc làm đã có những chuyển biến tích cực. Đưa ra dự báo về bức tranh thị trường năm 2019 và rộng hơn đến năm 2022, khảo sát của VietnamWorks cũng cho biết, nhu cầu tuyển dụng năm 2019 sẽ  có nhiều “bùng nổ”.

Trong đó, 74% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát cho biết nhu cầu về nhân lực của họ sẽ tăng lên trong năm 2019. Trong đó, 33% doanh nghiệp có kế hoạch tăng mạnh về quy mô nhân sự khi nhu cầu tuyển dụng cao trên 30%. Trong số doanh nghiệp còn lại, có 33% cho rằng nhu cầu sẽ tăng 10 – 20% và 26% cho rằng nhu cầu sẽ tăng 20 – 30%.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh nhận định về gia tăng nhu cầu tuyển nhân lực, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cũng cho biết, dự kiến trong giai đoạn 2018 – 2025, thành phố cần thêm 300.000 việc làm mỗi năm (150.000 việc làm tăng thêm). Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân 85%.

Đánh giá của đa số chuyên gia về lao động cũng cho thấy, khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do sẽ làm cho không gian thị trường lao động sôi động hơn. Người lao động được tự do di chuyển tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, đặc biệt là lao động có kỹ năng và ngoại ngữ.

Cụ thể, việc tham gia CPTPP sẽ đem lại nhiều cơ hội mới về việc làm cho người lao động, dự báo có thể mang lại 352 – 456 nghìn việc làm tùy vào kịch bản, đem lại tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội. Một số ngành được hưởng lợi lớn về việc làm là dệt may, thương mại và các ngành công nghiệp nhẹ. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho thị trường lao động.

Dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong nước. Đặc biệt, nhân lực trong ngành công nghệ kỹ thuật – nhóm ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa sẽ bị tác động mạnh mẽ và có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot.

Giai đoạn 2018 – 2020 thị trường đang trải qua những biến động lớn với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Do đó, Việt Nam cần có những chính sách thị trường lao động hiện đại dựa trên bằng chứng đáng tin cậy để đáp ứng với sự thay đổi về nhu cầu của các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cần kịp thời phản ứng trước những thay đổi, từ đó đề ra chiến lược tuyển dụng và thu hút nhân tài.

Đối với hệ thống giáo dục, cần phân tích nhu cầu thị trường nhân sự trong tương lai để tuyển sinh hợp lý, cập nhật chương trình học với kiến thức số hóa, tạo cơ hội cho sinh viên ứng dụng thực tế để nâng cao kiến thức, kỹ năng và sẵn sàng cho phát triển sự nghiệp – Tổng Giám đốc Navigos Group Gaku Echizenya chia sẻ.