Shark Hưng: Nếu đã muốn nhảy việc, đừng nghĩ tới vài đồng thưởng Tết

2020-12-31 07:12

Có thể những điều Shark Hưng chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp bạn tháo gỡ nút thắt quan trọng trong công việc trong năm 2020 và mở ra những cơ hội mới trong năm tới.

2020 là một năm chúng ta phải thích nghi với nhiều khái niệm mới mẻ. Đây cũng là năm 2k tròn 20 tuổi và nhiều bạn trẻ thuộc lứa này đã có công việc đầu tiên trong đời mình.

Đó có thể là một việc làm part-time vừa học vừa làm, vẫn xông xênh thời gian trải nghiệm, nhưng cũng có thể là một job được ký hợp đồng lao động hẳn hoi dù chưa cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp ĐH. Những công ty có môi trường làm việc năng động, đang “khát” nhân sự trẻ vẫn thường hay “nhắm” nhân tài từ khi ứng viên còn đang hoàn thành nốt một vài tín chỉ cuối ở trường ĐH.

Covid-19 xuất hiện và con đường nghề nghiệp này của GenZ có thể cũng sẽ biến đổi: Kiếm việc khó khăn hơn, chấp nhận mức lương cho công việc đầu tiên thấp hơn…

Trong buổi nói chuyện với các sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân trong sự kiện do Phòng Công tác Chính trị & Quản lý Sinh viên của trường phối hợp với chương trình Cơ hội cho ai diễn ra mới đây, shark Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch HĐQT Cen Group đã có những chia sẻ thú vị, thực tế nhưng không kém phần dễ hiểu, gần gũi.

Dưới đây là một số tình huống đối đáp thú vị của shark Hưng và các sinh viên trường Kinh tế trong buổi gặp mặt.

Sinh viên nên có tâm thế như thế nào khi vừa ra trường thì… đụng dịch?

Trên đời này có 3 việc chúng ta phải làm, đó là việc của mình, việc của người và việc của trời. Covid-19 là việc của trời, chúng ta chỉ có thể chấp nhận thôi. Trời mưa trời bão thì chúng ta tìm cách đi trong mưa, trong bão. Cái chính là chúng ta phải tập trung lo việc của mình.

Những loại công việc lặp đi lặp lại một cách giản đơn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những dịch vụ phục vụ nhu cầu căn bản của con người thì sẽ duy trì ổn định tốt. Nhưng những ngành ở tháp nhu cầu cao hơn, như du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí,… sẽ bị ảnh hưởng.

Covid-19 rồi sẽ qua, dù dịch có kéo dài thêm vài năm nữa thì đây cũng chỉ là những bước sự nghiệp đầu đời của các bạn, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cơ cấu việc làm của các bạn rất nhiều, các bạn cần lưu ý.

Shark Hưng nhận định như thế nào về việc học lên thạc sĩ ngay sau đi tốt nghiệp thay vì đi làm? Và để khởi nghiệp, 1 bạn trẻ cần bắt đầu từ đâu?

Tôi có 1 cuốn sách đọc rất lâu rồi và tôi nghĩ các bạn nên đọc. Đó là 7 Thói Quen Của Người Thành Đạt. Một trong những điều đó là “hãy bắt đầu từ điểm cuối”. Thật ra là bạn muốn gì? Khi bạn biết bạn muốn gì thì bạn tự có câu trả lời, đừng hỏi chúng tôi. Ngay khi còn ngồi ghế nhà trường, các bạn cũng nên đặt câu hỏi, môn học này giải quyết vấn đề gì? Các bạn tìm gì thì sẽ thấy cái đó. Còn nếu không biết tìm gì, thì khi thấy bạn cũng không biết được.

Hành trang khởi nghiệp thì rất nhiều, nhưng để trở thành 1 người hiệu quả thì chúng ta cần 3 điều là “A.S.K”.

Trong đó, A nghĩa là Attitude là thái độ, chúng ta có thái độ như thế nào với công việc, cống hiến hay đòi hỏi. Chữ S là skill – các kỹ năng. Kỹ năng thì có rất nhiều, nhưng trong đó có những nhóm kỹ năng dành cho tất cả mọi người và 1 số kỹ năng chỉ dành cho những người ở 1 vị trí nào đó. Kiến thức chuyên môn, nền tảng là quan trọng, thêm nữa là kiến thức tổng quát liên quan đến xung quanh lĩnh vực bạn làm, tiếp nữa là kiến thức điều hành, làm thế nào để tổ chức công việc, quản lý dự án.

Kiến thức thì có trong quá trình ngồi ghế nhà trường. Kỹ năng thì năng làm thì nó kỹ, phải thực hành thường xuyên. Không ai học bơi trong lúc ngồi trên giường cả.

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp rất hot. Hot đến nỗi mà cứ 4 bạn sinh viên Việt Nam ra trường thì có 1 bạn muốn khởi nghiệp, 3 bạn đi làm thuê. Thế nên các bạn “chết”, rồi đi làm thuê là chuyện bình thường. Làm thuê còn không xong thì đừng mong làm chủ. Các bạn phải làm thuê thật tốt, làm thuê với tinh thần của người làm chủ, thì khi đó ra làm chủ mới tốt được. Các bạn hãy cứ đi làm thuê vài năm, tích lũy kỹ năng và một chút tiền bạc rồi hãy khởi nghiệp.

Đối với sinh viên mới ra trường, công việc được giao quá tải, 8 tiếng không đủ, em phải làm 13-14 tiếng. Nhưng em chỉ nhận được lương của 8 tiếng thôi. Em có nhận được thưởng hiệu quả, nhưng không bao nhiêu. Theo sếp, em nên tiếp tục cố gắng làm 13-14 tiếng, hay đề xuất tuyển thêm 1 nhân sự nữa?

Đối với các sếp, không bao giờ có ý định lạm dụng hay lợi dụng công sức của các bạn đâu. Đó là nguyên tắc. Đi làm chúng ta có 3 loại thu nhập: thu nhập từ lương, thu nhập từ thưởng và thu nhập từ đầu tư cổ phần – cổ phiếu. Lương cũng có 3 loại: lương theo tuần, theo tháng, lương theo dự án và lương theo năm.

Trường hợp bạn làm việc đến 13-14 tiếng, có 2 tình huống xảy ra. Một là công việc đó sếp giao, người khác làm trong 2 tiếng thôi, nhưng bạn làm đến 13-14 tiếng, thì không ai trả lương cho bạn cả. Các bạn làm tốn điện của công ty, tốn chỗ ngồi, làm ảnh hưởng tinh thần làm việc của đồng nghiệp, còn làm các sếp mang tiếng bóc lột.

Giả thiết thứ 2 là các sếp thử thách bạn, để xem bạn có chịu nổi áp lực hay không. Và kết quả của việc nỗ lực đó là sau 3 hay 6 tháng nữa, cuối năm bạn sẽ được thưởng cái xe, cái nhà. Đừng lo là các sếp không nhìn ra. 2 giả thiết trên không biết bạn thuộc dạng nào, cái đấy bạn tự trả lời.

30 tuổi chưa có nhà có phải là thất bại?

Tôi nói vui con đường ngắn nhất đến thành công là đi qua đường Láng Hạ. Thật ra các bạn rất hay nhầm lẫn giữa ước muốn và mục tiêu. Ước muốn luôn cao hơn một chút so với nhu cầu. Còn mục tiêu thì phải “smart”, tức là phải có đường hướng, kế hoạch, phải khả thi. Các bạn cứ nói em muốn thế này em muốn thế kia, thực tế đó chỉ mới là ước muốn, chưa phải là mục tiêu.

Khi đi làm trong môi trường công sở, có nên bày tỏ vấn đề trong công việc (trực tiếp/ẩn ý) lên Facebook không?

Tôi nghĩ là không nên, các bạn chỉ muốn giải tỏa những bức xúc, không hài lòng với đồng nghiệp, cấp trên, với chính công việc của các bạn. Khi đăng lên đấy, những người đồng cảm của bạn thì ít, mà những sự đồng cảm đó cũng không giúp ích gì cho bạn cả. Cho nên các bạn không nên chia sẻ những điều tiêu cực, vì trước hết điều đó sẽ ảnh hưởng đến bạn. Cái thứ 2 là ảnh hưởng đến môi trường làm việc không còn tính chuyên nghiệp, mang cái việc ngồi lê mách lẻo, nói xấu sếp, nói xấu lẫn nhau. Bức xúc trên mạng xã hội là không tốt, các sếp sẽ không vui vì điều đó.

Phải ứng xử thế nào khi sếp gởi lời mời kết bạn trên Facebook? Buộc phải chấp nhận thì có nên “ẩn bài viết” với sếp?

Nếu các bạn toàn nói hay về sếp, ca ngợi công ty thì tại sao các bạn lại phải ẩn. Các bạn cứ công khai thoải mái chứ. Ở công ty, tôi cũng làm bạn với những nhân viên có thâm niên lâu lâu, làm việc trực tiếp với tôi, tôi đều làm bạn cả. Và tất nhiên, văn hóa giao tiếp trên Facebook sẽ khác với môi trường làm việc. Nó có thể vui vẻ, đùa cợt một chút, không sao cả.

Ngoài việc các bạn lập trang đó ra vì mục đích công việc, còn nếu bạn lập ra cho mục đích cá nhân thì chỉ là phương tiện giao tiếp, cứ thoải mái thôi. Nhưng cái gì mà các bạn đăng trên mạng xã hội là gián tiếp thể hiện thái độ của bạn, quan điểm của bạn đối với đồng nghiệp và những người xung quanh.

Nhiều sinh viên muốn trải nghiệm cảm giác đi làm, nhưng đi làm rồi lại không chịu được “nhiệt”, và cứ “em tưởng…”. Người đi làm và người tuyển dụng lao động nên chuẩn bị tâm lý như thế nào trong tình huống trên?

Tất nhiên đi làm thì phải khác đi chơi rồi. Nhưng dù đi chơi hay đi làm, thì chúng ta cùng cần xác định chúng ta muốn gì. Chúng ta cần làm gì trong trường hợp đó để có cơ sở ứng xử phù hợp. Các bạn nên cố gắng tạo ra môi trường mà ở đó đi làm như đi chơi là tuyệt vời nhất. Còn đi chơi như đi làm thì không cơ quan nào chấp nhận hết.

Sắp Tết, có nên nhảy việc không hay đợi thưởng?

Cái này thì không phải phụ thuộc vào thưởng đâu. Nếu các bạn đã muốn nhảy việc rồi thì quan trọng là các bạn đã có việc khác tốt hơn chưa? Không nên vì vài đồng tiền thưởng, nếu bạn đã muốn đi rồi thì thưởng không quá quan trọng. Nếu bạn cố gắng để có thưởng, kéo dài thời gian thì có thể nhận phải những đánh giá là thực dụng quá. Hãy quyết định vì những yếu tố khác, không nên ở lại hay ra đi vì tiền thưởng.

Hy vọng với những chia sẻ đầy tâm huyết từ sếp Hưng, các bạn sinh viên sẽ sớm tìm được công việc phù hợp với mong muốn của mình trong năm 2021.

Theo Kênh 14