Sếp Thành Thắng Lợi “chơi lớn”, hết mang tiền, nhà, đến mang cổ phiếu ra chiêu dụ ứng viên

2020-11-09 09:11

“Cơ hội cho ai? – Whose chance?” mùa 2, vừa lên sóng tập đầu tiên với nhiều tình tiết gay cấn. Đặc biệt là màn chốt lương ngoạn mục, 50 triệu đồng/tháng của thí sinh Phạm Tống Quốc Hoàng.

Chọn công việc lương cao, hay công việc đúng đam mê nhưng lương thấp?

Đó là câu hỏi mà các thí sinh phải trăn trở khi bước vào vòng thi đầu tiên trong Tập đầu của chương trình Cơ hội cho ai lên sóng mùa 2. Tập này có sự hiện diện của 6 vị sếp bao gồm: Sếp Dương Long Thành (Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group), sếp Lê Đức Thuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc – Bánh Bảo Ngọc), sếp Nguyễn Tuấn Lương (Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam – VNPAY), sếp Lưu Nga (Nhà sáng lập – Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang ELISE), sếp Lê Trí Thông (Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ) và sếp Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch HĐQT FPT Telecom).

Ở vòng thi đầu tiên – vòng Đối mặt, cặp đôi ứng viên Bùi Quốc Anh (33 tuổi, từng du học Úc, có kinh nghiệm làm việc đa dạng ngành nghề từ Thương mại điện tử, Du lịch – khách sạn, đến bán lẻ) và ứng viên Phạm Tống Quốc Hoàng (30 tuổi, cũng từng du học Úc, có kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực quan hệ khách hàng, tài chính ở các môi trường như kinh doanh ngân hàng, nhà hàng – khách sạn) sẽ phải so tài bằng cách tranh luận, chất vấn nhau dựa trên một tình huống mà Ban tổ chức đưa ra.

Kết thúc tình huống, chủ đề tranh luận đầy thú vị của tập 1 được hé lộ. Đó là “Nên chọn công việc đúng đam mê nhưng lương thấp, hay chọn công việc không đúng đam mê nhưng lương cao?”.

Là người bốc phải chiếc thăm ngắn hơn, Bùi Quốc Anh bày tỏ quan điểm trước: “Suy nghĩ của tôi chia làm 2 giai đoạn, hình dung về chính bản thân mình. Trước 30 tuổi, khi còn trẻ và còn nhiều cơ hội để học tập, tôi sẽ chọn công việc tập trung vào đam mê, dù lương thấp, vì ở đó, tôi sẽ tìm được rất nhiều thứ.

Thứ nhất là động lực để tôi phấn đấu và phát triển. Thứ hai là cơ hội học hỏi, cơ hội học tập. Thứ ba là chọn được những môi trường có thể hòa nhập tốt hơn, công việc thú vị hơn. Ở thời điểm dưới 30, chưa phải nghĩ nhiều đến cơm áo gạo tiền, nên tôi sẽ ưu tiên những gì mà tôi đam mê. Sau 30 tuổi, cái tôi cần là sự thực tế, những mục tiêu rõ ràng, những gì tôi làm phải mang lại giá trị cho tổ chức và gia đình mình. Tất cả những thứ đó đều quy về câu chuyện tài chính. Với mức lương cao sẽ mang lại cho mình sự ổn định, từ đó vẫn có cơ hội để mình nuôi dưỡng đam mê”.

Ngược lại với quan điểm của đối thủ, ứng viên Phạm Tống Quốc Hoàng chia sẻ: “Với tôi, trong bất cứ ngành nghề nào, chúng ta đều phải hướng đến đam mê. Tôi sẽ xác định ngay từ đầu mình muốn làm gì, sau đó nỗ lực, học tập và biến những gì tích lũy được trong quá trình đó trở thành đam mê của mình. Bởi vì khi mình có đam mê, đồng nghĩa với việc mình sẽ bỏ toàn tâm toàn ý vào. Cái đam mê của anh Quốc Anh chỉ là đam mê nhất thời thôi. Còn tôi sẽ nghĩ công việc đó mang lại giá trị gì, và biến những giá trị đó thành đam mê rồi bỏ toàn thời gian, bỏ cái tâm vào đó”.

Là 2 tuýp người khác nhau, việc đối nghịch quan điểm là chuyện khó có thể tránh khỏi. Trong khi Phạm Tống Quốc Hoàng là mẫu người sống thực tế, thích trải nghiệm cuộc sống, 18 tuổi đi làm quán nhậu, sau đó bỏ nhà đi bụi, rồi lại sang Úc du học, sau đó về Việt Nam làm việc. Ngược lại Bùi Quốc Anh thuộc kiểu người quy củ, khuôn khổ hơn, khi anh từng du học Úc nhưng sau đó bỏ ngang vì sốc văn hóa, mục tiêu nghề nghiệp của anh là trở thành một người làm thuê chuyên nghiệp.

Đánh giá 2 ứng viên đều đặc biệt, có quan điểm sâu sắc, sếp Nga chia sẻ ý kiến cá nhân: “Đam mê là vô cùng khó đo đếm. Tôi nghĩ rằng nếu đúng đam mê thì lương không thấp đâu. Còn không đúng đam mê thì chẳng bao giờ có lương cao cả”.

Mặt khác, sếp Lương cũng nhận xét: “2 bạn tranh luận một chủ đề mà tôi rất thích. Suy nghĩ của tôi là nếu đi làm vì lương thì gọi đấy là đi làm. Còn nếu làm vì đam mê thì gọi là đi chơi.”

Kết thúc vòng Đối mặt, Phạm Tống Quốc Hoàng nhận được 4/7 bình chọn, trong đó có 3 bình chọn đến từ các sếp và 1 bình chọn từ khán giả trường quay, để giành chiến thắng trước đối thủ Bùi Quốc Anh và có cơ hội bước tiếp vào vòng 2 – vòng Chinh phục.

Kỳ vọng lương 30 triệu, ứng viên chốt thành công 50 triệu và phá tan lỷ lục mùa 1

Ờ vòng Chinh phục, Phạm Tống Quốc Hoàng nhập mực lương kỳ vọng vào chiếc “va-ly bí mật” mà ban tổ chức cung cấp. Sau đó, 6 sếp quyền lực sẽ đặt câu hỏi để thẩm định về kinh nghiệm làm việc, năng lực chuyên môn, kiến thức xã hội lẫn trải nghiệm thực tế của ứng viên. Đây được xem như là bước thăm dò để kiểm tra xem ứng viên liệu có phù hợp với lĩnh vực kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng và văn hóa doanh nghiệp của 6 sếp hay không.

Hoàn thành phần hỏi – đáp, 6 sếp sẽ quyết định nhấn đèn xanh nếu hài lòng về ứng viên, nhấn đèn vàng là có điều còn băn khoăn và đưa ra lời cảnh báo cho ứng viên, nhấn đèn đỏ là không hài lòng và từ chối tuyển dụng.

Kết quả, Phạm Tống Quốc Hoàng sở hữu 3 đèn xanh đến từ sếp Thành, sếp Thuấn vả sếp Tiến, đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng cuối cùng – vòng Cơ hội cho ai.

Mức lương kỳ vọng của Phạm Tống Quốc Hoàng là 29,999,999. Anh nhận được lời mời làm việc tại FPT Telecom của sếp Tiến, vị trí Giám đốc Phát Triển Thị trường với mức lương 25,678,900. 2 mức “chào lương” còn lại thuộc về sếp Thành cho vị trí Trợ lý HĐQT phụ trách mảng Tài chính và Kênh kinh doanh B2B với mức lương 35,999,999 và sếp Thuấn cho vị trí Phụ trách phòng Đầu tư Quốc tế và Quan hệ Cổ đông với mức lương 50,000,000.

Vì “chào lương” thấp hơn kỳ vọng của ứng viên, theo luật của chương trình, sếp Tiến mất đi cơ hội tuyển dụng. Sếp Thành và sếp Thuấn phải cạnh tranh quyết liệt để thuyết phục ứng viên ưng ý về với doanh nghiệp của mình bằng cách đưa ra những chế độ đãi ngộ, các cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Sếp Thành tung chiêu “chơi lớn” cho biết mức “chào lương” hiển thị trên bảng điện tử chỉ là lương cứng. Với vị trí mà sếp trao cho Quốc Hoàng cộng với năng lực của ứng viên, thì tổng thu nhập một năm không dưới 1 tỷ. Ngoài ra, ứng viên còn được tặng thêm cổ phiếu. Theo chính sách của công ty, ứng viên còn được mua nhà với giá nội bộ. Bên cạnh đó, nếu gắn bó lâu dài, thì ứng viên sẽ được công ty tặng nhà.

Trong khi đó, sếp Thuấn lại có cách chiêu dụ khác, khi thể hiện khiếu hài hước, tài văn thơ của bản thân để ứng viên cảm thấy gần gũi, được đồng cảm. Mở đầu, sếp Thuấn hỏi Quốc Hoàng đã có gia đình hoặc người yêu hay chưa. Sau khi nhận được câu trả lời vẫn còn độc thân của ứng viên, sếp lắc đầu và nói: “Vậy là không phải dân tài chính rồi, vì dân tài chính thường phải yêu 2 cô một lúc, bởi vì tài chính là phải luôn dự phòng rủi ro mà”. Sếp cũng xuất khẩu thành thơ ngày sau đó: “Yêu em anh để trong lòng. Nhưng anh vẫn phải yêu thêm cô nữa để dự phòng rủi ro”.

MC Thành Trung ngay lập tức bênh vực ứng viên khi cho rằng có thể Quốc Hoàng chưa có người yêu chỉ vì chưa có đủ tài chính mà thôi. Trước lời nhận định này, sếp Thuấn bật cười chia sẻ thêm: “Thế thì lại có câu này. Tiền không phải là tất cả nhưng không có tiền thì cũng là vất vả đấy”. Sự hóm hỉnh và khiếu văn thơ của vị sếp đứng tuổi nhất trong những nhân vật ghế “nóng” quyền lực, khiến khán giả cảm thấy thích thú, phấn khích.

Với mức “chào lương” phá kỷ lục mùa 1 – 50,000,000 (mức kỷ lục mùa 1 là 45,678,900) cùng khiếu hài hước, tài văn nghệ, sếp Thuấn đã thành công chiêu mộ được ứng viên ưng ý Phạm Tống Quốc Hoàng về đội của mình. Như vậy, dù chỉ mong muốn mức lương 30 triệu, ứng viên đã thành công “chốt lương” với con số hơn gấp rưỡi kỳ vọng.

Tập 1 Cơ hội cho ai mùa 2 khép lại với ứng viên đầu quân về Công ty của sếp Lê Đức Thuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc – Bánh Bảo Ngọc). Đây cũng là tập có mức chốt lương cao nhất từ trước đến nay. Theo tiết lộ từ nhà sản xuất, tập 2 của chương trình lên sóng vào ngày 14/11/2020 sẽ xuất hiện một cặp đôi ứng viên cân tài cân sức. Trong đó, một nữ ứng viên có câu chuyện đặc biệt cảm động và truyền cảm hứng.

Theo Tường Vy – Nhịp sống kinh tế