Những ứng viên lên truyền hình chốt lương 30 – 50 triệu đồng/ tháng giờ ra sao?

2022-07-01 02:07

Cuối tháng 11/2021, Nguyễn Trung Hiếu, 36 tuổi, đang theo học Quản trị Kinh doanh MBA tại Đại học Sunderland (Anh Quốc) lên tìm việc trên chương trình “Cơ hội cho ai”. Tiến sỹ hàng không này đã từ bỏ offer 60 triệu đồng/tháng từ sếp DH Foods, về đầu quân cho sếp Hùng Anh – BIN Corporation Group, dù rủi ro hơn, nhưng anh cũng nhìn ra nhiều tiềm năng và cơ hội. Chuyện gì đã xảy ra sau những cái bắt tay trên chương trình truyền hình?

Nguyễn Trung Hiếu (phải) cùng sếp Hùng Anh (trái).

Việc chọn sếp Hùng Anh, thật ra có phần rủi ro hơn cho mình, lương cũng thấp hơn, đó là về mặt lương cứng“, Nguyễn Trung Hiếu – tiến sỹ hàng không từng khiến các sếp chạy đua mức lương, tặng nhà, tặng xe để “câu” – trải lòng.

Trên chương trình “Cơ hội cho ai – Whose Chance?” hồi cuối tháng 11/2021, Hiếu đã nhận offer vị trí Phó giám đốc vận hành dịch vụ Fintech tại BIN Corporation Group, với mức lương 47.789.999 đồng/tháng, bởi Hiếu cho rằng dù có nhiều thách thức nhưng song song đó vẫn nhiều tiềm năng và cơ hội, khi thế giới đang chuyển hướng theo chuyển đổi số.

Theo cập nhật từ Hiếu, vị trí hiện tại của anh là Phó Giám đốc điều hành của DNBC Financial Group, một trong những công ty con của BIN Corporation Group.

“Hiện công ty con này cũng sở hữu 11 công ty nhỏ trên toàn cầu. Trong đó, có 2 công ty đang hoạt động và 9 công ty đang trong giai đoạn xây dựng”.

“Giống như những gì đã chia sẻ trên truyền hình, sếp Hùng Anh dành khá nhiều thời gian, hầu như là vào tất cả các ngày trong tuần, để hướng dẫn trực tiếp một cách nhiệt tình, có tầm nhìn và luôn ủng hộ những quyết định của dàn lãnh đạo của DNBC. Mình khá hài lòng khi về đây mọi người cũng cho mình hơn những gì thể hiện trên truyền hình“, Hiếu chia sẻ.

Hiện anh đã có 7 tháng đồng hành cùng BIN Corporation Group.

Hiếu là một trong 15 ứng viên “chốt deal” thành công trên chương trình truyền hình thực tế về việc làm “Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance” mùa 3.

Một ứng viên “chốt deal” thành công khác là Võ Thị Cẩm Thuyên, bạn trẻ có khả năng nói tốt 4 thứ tiếng, là người đồng dẫn của kênh YouTube về ẩm thực lớn nhất thế giới Best Ever Food Review Show với hơn 7 triệu lượt đăng ký kênh. Cô nàng được nhiều khán giả yêu mến, nhận được 6 đèn xanh và sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ 6 Sếp. Với tuyệt chiêu “đồng hương”, Sếp Lê Trí Thông đã chiêu mộ thành công Cẩm Thuyên với mức lương 36 triệu đồng/tháng.

Cẩm Thuyên (ngoài cùng bên phải) trong sự kiện ra mắt phim Trịnh Công Sơn.

Cẩm Thuyên cho biết vị trí công việc hiện tại của cô tại PNJ là Chuyên viên Truyền thông Sáng tạo. “Mình phải tìm hiểu những cái mới trong ngành để áp dụng vào trong công ty. Ngoài ra, mình cũng làm mảng partnership, tức là tìm những đối tác có thể đi đường dài cùng những định hướng của công ty trong năm nay“, cô nàng Gen Z cho hay.

Kết thúc “Cơ hội cho ai” mùa 3, sếp Lê Đức Thuấn thành công chiêu mộ 7 ứng viên, sếp Lê Trí Thông 3 ứng viên, sếp Nguyễn Trung Dũng 2 ứng viên, sếp Vũ Minh Trí, sếp Lưu Nga và sếp Lê Hùng Anh mỗi người 1 ứng viên.

Theo ghi nhận từ chương trình, trong quá trình hòa nhập với tập thể mới, cọ xát trong công việc, các ứng viên không khỏi bỡ ngỡ, vấp phải những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, họ luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ đồng nghiệp cùng ban lãnh đạo, đặc biệt là các Sếp của chương trình.

Cẩm Thuyên trải lòng sau gần nửa năm làm việc tại PNJ: “Trong quá trình hội nhập với công việc mới, mình cũng gặp phải một số trở ngại. Thứ nhất là về thời gian làm việc, lúc trước mình được linh động hơn, bây giờ mình phải ở đây để làm việc tập thể với mọi người. Ngoài ra, mình còn gặp phải những khó khăn về quy trình giấy tờ. Nhưng rất may là mình nhận được nhiều sự hỗ trợ của mọi người, đặc biệt là chị Trâm Lê – CMO của PNJ. Chị đã lắng nghe và thấu hiểu mình nên mình mới có thể trụ tại đây đến ngày hôm nay”.

Cô cũng đưa ý kiến về sự khác biệt giữa môi trường startup mà cô làm việc lúc trước với một doanh nghiệp tầm cỡ như PNJ.

Lúc trước, mình làm việc tại các công ty startup thì sẽ không có nhiều ngân sách để chạy marketing, mình phải luôn trả lời câu hỏi “làm sao để tiết kiệm tiền?”. Bây giờ sang PNJ, mình có nhiều tiền hơn, tuy nhiên mình phải học cách làm sao để tiêu tiền cho đúng.

Nếu lúc trước, mình làm việc nhóm với vài người, thì bây giờ, mình phải làm việc với 70 con người. Làm sao để giao tiếp hiệu quả với đối tác và nội bộ, đó là những gì mà mình học được trong giai đoạn này rất nhiều“, Thuyên bày tỏ.

Ứng viên Thanh Tiến cũng có gặp đôi chút khó khăn khi quyết định rẽ hướng từ ngành Retail (bán lẻ) sang FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh). “Trong 1 tuần làm việc đầu tiên, mình phải đọc rất nhiều tài liệu, dung nạp rất nhiều kiến thức, thậm chí mình không biết tài liệu đó viết về cái gì. Nhưng mình không biết thì mình hỏi. Nhờ vào sự hỗ trợ của các anh chị đồng nghiệp mà mình đã vượt qua 1 tháng đầu khó khăn đó để có thể đảm đương công việc hiện tại.

Môi trường làm việc tại Dh Foods, mọi người giống như một gia đình, nên mình đã nỗ lực, tăng tốc trong việc học hỏi vì không muốn đứng ngoài cuộc chơi. Và hiện tại, mình đã làm được“, cựu tuyển thủ 26 tuổi cho biết.

Theo Cafebiz