Các ngân hàng đang rốt ráo triển khai gói cho vay tái cấp vốn 16.000 tỉ đồng hỗ trợ người sử dụng lao động trả lương ngừng việc do đại dịch Covid-19 gây ra, với lãi suất 0%.
Cụ thể, Ngân hàng (NH) Nhà nước dự kiến dành 16.000 tỉ đồng thực hiện tái cấp vốn cho NH Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm và quá hạn là 0%/năm. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, kể từ ngày NH Nhà nước giải ngân nguồn tái cấp vốn đối với NHCSXH.
Chuyển tiền trực tiếp đến người lao động
NHCSXH cũng vừa ban hành công văn hướng dẫn thực hiện triển khai cho vay gói tín dụng. Theo đó, người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn có từ 20% hoặc từ 30 người lao động (NLĐ) trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ trong khoảng thời gian từ ngày 1.4 đến hết 30.6. Người sử dụng lao động đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho NLĐ, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho NLĐ ngừng việc; đồng thời không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài tại thời điểm ngày 31.12.2019. Thời hạn cho vay do NHCSXH nơi cho vay và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng. Khách hàng vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Lãi suất cho vay 0%/năm; lãi suất nợ quá hạn 12%/năm.
Lý giải việc NH Nhà nước dự kiến lãi quá hạn của khoản tái cấp vốn này là 0% nhưng NHCSXH lại tính 12%/năm đối với khách hàng, đại diện NHCSXH cho biết theo điều 17 Quyết định 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, NHCSXH được áp dụng lãi suất 12%/năm đối với nợ quá hạn nếu người sử dụng lao động vay vốn không trả được nợ. Số tiền lãi quá hạn thu hồi được giảm trừ vào chi phí quản lý của NHCSXH được ngân sách nhà nước cấp hằng năm. Theo quy định, người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các cam kết với NHCSXH, sử dụng tiền vay đúng mục đích, thực hiện nghiêm túc kế hoạch trả nợ đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn và cam kết sẽ dùng các tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình để trả nợ NHCSXH.
Ngoài ra, đại diện NHCSXH cho biết để vay gói tín dụng này, người sử dụng lao động cần có sự xác nhận của UBND cấp huyện, tỉnh phê duyệt danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc, danh sách NLĐ bị ngừng việc, gửi chi nhánh NHCSXH cùng cấp và người sử dụng lao động trong danh sách. Số tiền khách hàng vay được NHCSXH nơi cho vay chi trả hằng tháng đến NLĐ bị ngừng việc trên cơ sở danh sách được chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt hằng tháng và theo đề nghị của khách hàng. NHCSXH sẽ thực hiện chuyển khoản hoặc chi trả bằng tiền mặt đến NLĐ. Việc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31.7.2020.
DN mong muốn được hỗ trợ thực chất
Theo các chuyên gia, nguồn vốn trên sẽ tiếp sức cho NLĐ đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Các doanh nghiệp (DN) cũng có thêm cơ sở để giữ nhân viên khi tái khởi động trở lại, đỡ bị động về nhân lực.
Tuy nhiên, nhiều DN vẫn than phiền thủ tục và một số quy định trong dự thảo này chưa hợp lý. Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh (TP.HCM) trong 3 tháng qua đã sụt giảm gần 50% doanh thu nên buộc phải giảm nhân sự khoảng 30%. Ông Lâm Đạt Vinh, Giám đốc công ty này, cho biết hiện chưa nhận được thông báo gì về gói hỗ trợ cho DN vay với lãi suất 0% để trả lương NLĐ. Ông Vinh băn khoăn, các chính sách hỗ trợ được Chính phủ công bố khá nhiều nhưng đến tay DN khá chậm. Ví dụ đến nay, công ty này vẫn chưa được NH nào thực hiện giảm lãi suất cho vay dù công ty đã làm hồ sơ; hay chính sách để tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội phải giảm đến 50% lao động… DN cũng không được thụ hưởng vì không thể sa thải thêm cho đủ tỷ lệ. Ngay cả để được vay vốn lãi suất 0% để trả lương thì điều kiện phải giảm từ 20% số lao động… cũng có thể vô tình tạo ra cơ chế xin cho. “Để nhận được hỗ trợ của nhà nước tôi thấy ngán nhất là thủ tục. Tại sao không tính hỗ trợ dựa trên số lao động hay số vốn của các DN, nhất là những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19? Quan trọng nhất là các chính sách cần phải được triển khai nhanh trong thực tế”, ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Kim Phát, cũng trong tâm trạng tương tự. Mới nghe nói về chính sách được vay vốn lãi suất 0% rất vui nhưng tìm hiểu kỹ thì lại buồn vì công ty khó đáp ứng yêu cầu. “Mấy tháng đầu năm, doanh thu sụt giảm 40% nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì và đảm bảo trả lương đúng hạn cho NLĐ. Vì vậy, chính sách nên khuyến khích DN giữ việc cho công nhân và vẫn hỗ trợ cho vay tiền trả lương thay vì chỉ hỗ trợ DN đã sa thải NLĐ”, ông Thanh nói và đặt vấn đề, không lẽ để được vay tiền hỗ trợ lãi suất 0% này phải đi sa thải 20% nhân viên đang có ở công ty? “Công ty tôi cũng chưa được giảm lãi suất dù đã gửi kiến nghị đến nhiều nơi. Thậm chí có nhân viên NH còn cho biết hiện nay dù công ty có tài sản thế chấp mà đi vay tiền cũng khó vì NH lo sợ. Đối với ngành vận tải, chúng tôi hy vọng được Chính phủ xem xét giảm mạnh các loại thuế phí khác như thuế môi trường trong xăng dầu, phí bảo trì đường bộ, phí cầu đường”, ông Thanh nói thêm.