‘Khẩu vị’ tuyển dụng nhân sự của các Sếp lớn

2019-11-13 07:11

Hầu hết các lãnh đạo công ty khi tuyển dụng thường đề cao tinh thần ham học hỏi và nỗ lực của ứng viên, không quá quan tâm đến bằng cấp và kinh nghiệm làm việc.


Chương trình thực tế Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance, sân chơi dành cho các bạn trẻ muốn gia nhập vào các công ty lớn ở Việt Nam dưới sự thử thách của các lãnh đạo công ty. Đây là nơi các bạn trẻ học hỏi kinh nghiệm đi xin việc cũng tìm hiểu thêm được các tiêu chí tuyển dụng của các sếp lớn công ty. “Khẩu vị” tuyển dụng của các sếp tham gia ngồi ghế nóng rất đa dạng và mỗi người một tiêu chí riêng.

Sếp Lưu Nga, CEO thời trang Elise quan niệm kinh nghiệm làm việc không phải là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một ứng viên đang tìm việc. Điều nữ doanh nhân quan tâm chính là tinh thần học hỏi, yêu nghề, sáng tạo và nhiệt tình với công việc ở ứng viên. Quan điểm cởi mở này của sếp Nga giúp chị tuyển dụng được 3 bạn trẻ là Thanh Hà và Ý Nhi với mức lương 15 triệu đồng cho vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường và chuyên viên truyền thông, Quốc Tuấn với mức 40 triệu đồng cho vị trí quản lý kinh doanh khu vực.

Sếp Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ Cengroup, lại tự nhận là người sếp “khó tính và cầu toàn”. Tiêu chí tuyển dụng nhân sự của sếp Hưng cũng rất rõ ràng. “Khi tuyển dụng các vị trí từ cấp trưởng nhóm, trưởng phòng, quản lý trở lên, tôi hy vọng các bạn có từ 5-7 năm kinh nghiệm ở khoảng 2-3 doanh nghiệp trước đó. Tôi không sợ các bạn nhảy việc. Nhưng cũng tùy trường hợp. Nếu 25 tuổi mà chuyển 10 công việc thì hơi quá đáng. 1-2 năm cho một công việc ở tuổi dưới 30 là chuyện hết sức bình thường”, sếp Hưng nếu quan điểm. Với tiêu chí này sếp Hưng đã chiêu mộ được hai ứng viên trẻ về với Tập đoàn của mình. Trong đó Hà Ni, sinh viên mới ra trường có 16 năm kinh nghiệm trong hoạt động đoàn được mời về vị trí chuyên viên tổ chức sự kiệnn với mức lương 12 triệu đồng. Ứng viên còn lại được sếp Hưng tuyển dụng là Thủy Tiên, thủ khoa ĐH Huế, từng làm việc tại Bangladesh, Pháp, Hàn Quốc với mức lương 35 triệu cho vị trí giám đốc truyền thông nội bộ.

Ghế nóng chương trình thực tế này có sự góp mặt của doanh nhân trẻ Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó chủ tịch Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp, Thành viên Thường trực HĐQT Tập Đoàn TiKi. Đây cũng là vị sếp trẻ nhất của chương trình, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc và phát triển Tiki từ một trang web bán sách trở thành một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam. “Khẩu vị” chọn nhân sự của vị sếp 30 tuổi này cũng rất độc đáo khi ưu tiên những ứng viên có “cá tính phù hợp” với vị trí tuyển dụng hơn kinh nghiệm làm việc. Với tài thuyết phục của mình, sếp Khánh đã ‘lôi kéo’ được ứng viên Tiến Quyết về công ty mình với mức lương 20 triệu đồng cho vị trí chuyên viên marketing, thấp hơn 5 triệu so với lời đề nghị của sếp Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT- TGĐ Tập đoàn Hùng Nhơn.

Sếp Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO với tính cách thẳng thắn, luôn đưa ra những nhận xét sâu sắc về các ứng viên tìm việc. Vị doanh nhân này không ngại ngần “chỉnh” ngay ứng viên trẻ Hồng Ngọc tốt nghiệp đại học ngành Luật nhưng lại chỉ muốn làm lễ tân. Quan điểm tuyển dụng của vị sếp này là “cần người giỏi nhưng trước hết phải có đạo đức”. Ông khẳng định sẵn sàng loại ứng viên giỏi nếu họ không có tư chất phù hợp và trách nhiệm với nghề. Ông cho rằng ứng viên khi đi xin việc nên biết mình là ai, mình làm được gì cho doanh nghiệp để đưa ra mức lương phù hợp chứ không chỉ đòi hỏi. Vị sếp này cũng hào phóng nâng mức lương từ 16 lên 25 triệu đồng để “chiêu dụ” ứng viên Mai Lý về với công ty mình.

“Tôi muốn nhìn thấy ở các bạn trẻ một sự máu lửa và tinh thần học hỏi không ngừng. Các ứng viên phải chứng minh được bản thân bằng cách: lao động vất vả, học tập liên tục để thay đổi cuộc sống của chính mình và người thân”. Đây là những yếu tố quan trọng để sếp Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phần mềm FPT đánh giá một ứng viên. Không đề cao kinh nghiệm làm việc, sếp Tiến sẵn sàng tuyển dụng Phương Thy, nữ sinh viên trường ĐH RMIT chưa tốt nghiệp, với mức lương 10 triệu đồng.

Trong khi đó, sếp Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập Đoàn Hùng Nhơn cho biết ông xuất thân từ nông dân, nên tiêu chí chọn nhân sự cho công ty cũng không đề cao về trình độ, mà “chú trọng cái tâm, cái đức của người lao động”. Tuy nhiên sau nửa chặng đường ngồi ghế nóng chương trình, vị doanh nhân ‘chân đất’ này lại trắng tay, chưa tuyển dụng được ứng viên nào.

Sau nửa mùa của show truyền hình thực tế về việc làm “Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance” đang phát sóng trên VTV3, đã có 8 ứng viên nhận được công việc với vị trí, mức lương cùng các chế độ đãi ngộ hấp dẫn tại các doanhh nghiệp lớn Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ứng viên không thể hiện tốt hoặc đòi hỏi quá cao nên bị các sếp từ chối.