Hơn 32 triệu người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19

2021-01-06 08:01

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình lao động, việc làm quý 4/2020 có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các chỉ số về lao động, việc làm, thu nhập của người lao động quý 4 nói riêng và năm 2020 nói chung vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp đà hồi phục từ quý 3, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 4 đạt 55,1 triệu người, tăng 563,8 nghìn người so với quý trước. Mặc dù vậy, con số này vẫn thấp hơn 860,4 nghìn so với cùng kỳ năm trước và gần 200 nghìn so với quý 1/2020.

Tính chung cả năm 2020, số người thuộc lực lượng lao động là 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu so với năm 2019. Nếu lực lượng lao động năm 2020 vẫn duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2020 (0,8%) thì nền kinh tế sẽ có thêm 1,6 triệu lao động. Nói cách khác, dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người.

Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, đồng thời khiến cho nhiều người trong số họ buộc phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, thiếu bền vững.

Thống kê cho thấy, số lao động có việc làm năm 2020 chỉ còn 53,4 triệu người, giảm 1,3 triệu so với năm 2019. Đây là điều chưa từng xảy ra trong suốt một thập kỷ qua.

Số lao động có việc làm phi chính thức năm 2020 tăng 119,1 nghìn người trong khi số lao động có việc làm chính thức giảm 21,1 nghìn người so với năm 2019. Như vậy, tỷ lệ lao động lao động có việc làm phi chính thức tăng cao (chiếm 56,2%, tăng 0,2%), trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây.

Không chỉ thế, ảnh hưởng của Covid-19 còn khiến 1,2 triệu người rơi vào tình trạng thiếu việc làm năm 2020, tăng 456,7 nghìn người so với năm 2019. Đa số những người thiếu việc làm không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Bởi lẽ, lao động có trình độ chuyên môn càng cao thì tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tình trạng thiếu việc làm cũng lan rộng sang cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chứ không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản như trước đây.

Mặt khác, năm 2020 ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân tháng của người lao động là 128 nghìn đồng, tương đương 2,3%. Trong đó, thu nhập của lao động ngành dịch vụ giảm sâu nhất (215 nghìn đồng); tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 156 nghìn đồng), cuối cùng là ngành công nghiệp và xây dựng (giảm 100 nghìn đồng).

Đáng chú ý, hiện vẫn còn một bộ phận lớn lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, chiếm 5,02%, tăng 1,2% so với năm trước, tương ứng 614 nghìn người.  Tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam (4,6% vào quý 1, 5,8% vào quý 2).  Khi các hoạt động kinh tế – xã hội dần được khôi phục vào 6 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm xuống còn 5,3% vào quý 3 và còn 4,3 % vào quý 4.

Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi (56,5%), trong khi đó lực lượng lao động dưới 35 tuổi chỉ chiếm 36,6%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện, việc tận dụng nhóm lao động này càng trở nên hạn chế.

Báo cáo nhấn mạnh, để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của Covid-19, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm chính sách. Một là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hai là triển khai các gói hỗ trợ đặc thù cho người lao động, ba là tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại.

Theo CafeBiz