Dù muốn hay không, COVID-19 vẫn ảnh hưởng đáng kể đến tương lai lao động của nhiều ngành nghề. Việc nắm bắt bức tranh thị trường tuyển dụng sắp tới theo đó rất quan trọng, giúp bạn trẻ vạch ra những bước chuẩn bị, giải pháp cần thiết.
Theo chị Nguyễn Phương Mai (giám đốc điều hành Công ty nhân sự Navigos Search, thuộc Navigos Group) thì COVID-19 đã có những ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội ở phạm vi toàn cầu.
Ngành nào bị ảnh hưởng nặng nhất?
“Dịch bệnh này có những tác động trực tiếp và dễ nhìn thấy nhất ở các lĩnh vực như sản xuất và dịch vụ. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất. Chính sách “cách ly xã hội”, hạn chế di chuyển và tiếp xúc cũng ảnh hưởng lớn đến các ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn, giáo dục…” – chị Phương Mai phân tích.
Cụ thể, theo số liệu từ VietnamWorks, số lượng công việc đăng tuyển của các ngành sau hiện có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm ngoái: hàng không – du lịch giảm 28%, nhà hàng – khách sạn giảm 21%, giáo dục – đào tạo giảm 11%… Hầu hết các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực này đã trì hoãn hoặc thậm chí hủy luôn kế hoạch tuyển dụng trước đó.
Còn chị Nguyễn Thanh Hương (giám đốc nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam) cho biết theo thống kê “Sự thay đổi xu hướng nhân sự trong giai đoạn COVID-19” được tung ra cuối tháng 3-2020 của ManpowerGroup, các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) do đại dịch bao gồm: du lịch – khách sạn, giải trí, bán lẻ, nhà hàng, ngành sản xuất không thiết yếu, dịch vụ kinh doanh phi kỹ thuật…
Ngược lại, các vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao nhất hiện nay trong khu vực APAC bao gồm giám sát viên tuyến đầu, điều phối viên hậu cần, kỹ sư mạng, kỹ thuật viên truyền thông, an ninh mạng, quản lý tài khoản dịch vụ – kỹ thuật…
Do VN áp dụng chính sách cách ly xã hội để ngăn chặn sự bùng phát nên các ngành sản xuất sản phẩm thiết yếu, thương mại điện tử, hậu cần… đang có nhu cầu tăng tuyển dụng cao.
Chị Lê Nguyễn Ngọc Thanh (giám đốc văn phòng TP.HCM, Adecco Việt Nam) bổ sung: “Theo tôi được biết, các lĩnh vực như ngành hàng không trong nước từ cuối tháng 1 đến nay có thể giảm doanh thu khoảng 25.000 tỉ đồng; ngành du lịch có thể thiệt hại đến 117.000 tỉ đồng nếu dịch kéo dài đến hết quý 2; các ngành nông lâm – thủy hải sản cũng chịu ảnh hưởng trong việc xuất khẩu hàng hóa do các quốc gia đóng cửa biên giới.
Các doanh nghiệp sản xuất như may mặc, da giày, điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp ôtô… đang chịu áp lực rất lớn vì hầu hết các nguyên nhiên vật liệu hay thiết bị đầu vào được nhập từ Trung Quốc. Lao động trong các mảng này dĩ nhiên sẽ bị ảnh hưởng”.
Cách thức như nhau, khác về mức độ
Đó là khẳng định của chị Phương Mai khi nói về sự khác nhau về tác động và thiệt hại mà COVID-19 gây ra cho thị trường lao động các quốc gia đã phát triển và đang phát triển.
Theo đánh giá sơ bộ của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), thế giới có thể mất đi 25 triệu việc làm vì đại dịch này. Dịch bệnh này gây ra những hạn chế chung ở tất cả các quốc gia, không phân biệt dù đó là quốc gia phát triển hay đang phát triển. Lao động ở những ngành có mức độ tiếp xúc cao với dịch bệnh, những ngành không thể áp dụng chính sách “làm việc tại nhà”… đều đối mặt với nguy cơ thất nghiệp hoặc giảm giờ làm.
Theo cơ cấu lao động, VN có tỉ lệ “lao động giản đơn” cao, chiếm 35% lao động có việc làm, bên cạnh một phần là bộ phận “lao động phi chính thức”; đây là những nhóm dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Các quốc gia đã và đang phát triển gặp phải những thách thức như nhau, chỉ khác nhau ở mức độ bị ảnh hưởng dựa trên cơ cấu lao động. Ngoài ra, sự khác nhau cũng sẽ nằm ở khả năng phục hồi sau dịch bệnh. Điều này sẽ dựa vào khả năng kiểm soát và “dập dịch” của quốc gia đó và những chính sách kinh tế – xã hội để phản ứng lại với những tác động từ COVID-19″ – chị Phương Mai phân tích.
Đồng quan điểm, chị Thanh Hương nhận định hiện nay hầu hết các quốc gia chịu tác động của COVID-19 đều buộc phải áp dụng chính sách cách ly xã hội. Điều đó buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu, vui chơi giải trí, du lịch, khách sạn… tạm thời đóng cửa hoặc phải có biện pháp hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và gây ra tình trạng thất nghiệp tại hầu hết các quốc gia không phân biệt đã hay đang phát triển.
theo tuoitre