VTV.vn – Đây là một trong những chủ đề phản biện được khán giả theo dõi Cơ hội cho ai mùa 2 rất quan tâm.
Một trong những điểm đổi mới nổi bật nhất được ghi nhận của chương trình Cơ hội cho ai mùa 2 là đưa tư duy phản biện vào vòng thi đầu tiên – Đối mặt. Mỗi phần thi, Ban tổ chức lựa chọn hai ứng viên có trình độ chuyên môn, tuổi tác hoặc ngành nghề có sự tương đồng sẽ cùng đối đầu với nhau. Mỗi ứng viên sẽ dùng tư duy Phản biện để trình bày quan điểm của mình theo chủ đề chương trình đưa ra, tranh luận và chất vấn với nhau dựa trên kiến thức chuyên môn, trải nghiệm cuộc sống. Phần thi này tạo kịch tính, tạo điều kiện để ứng viên thể hiện được hết trình độ, năng lực của bản thân và cũng như mang đến nhiều thông tin thú vị cho khán giả.
Cùng nhìn lại những chủ đề tranh luận ấn tượng tại Cơ hội cho ai mùa 2:
Nên chọn công việc đúng đam mê nhưng lương thấp, hay chọn công việc không đúng đam mê nhưng lương cao?
Là chủ đề tranh luận trong tập mở màn Cơ hội cho ai mùa 2, cặp đôi ứng viên du học sinh Úc, Bùi Quốc Anh (33 tuổi) và Phạm Tống Quốc Hoàng (30 tuổi) đã thể hiện nhiều góc nhìn khác biệt khi phản biện.
Bùi Quốc Anh bày tỏ quan điểm trước. Anh cho rằng trước 30 tuổi, khi còn trẻ và còn nhiều cơ hội để học tập, anh sẽ chọn công việc tập trung vào đam mê, dù lương thấp. Sau 30 tuổi, anh cần là sự thực tế, những mục tiêu rõ ràng, những gì anh làm phải mang lại giá trị cho tổ chức và gia đình mình. Tất cả những thứ đó đều quy về câu chuyện tài chính.
Ngược lại với quan điểm của đối thủ, ứng viên Phạm Tống Quốc Hoàng chia sẻ: “Với tôi, trong bất cứ ngành nghề nào, chúng ta đều phải hướng đến đam mê. Bởi vì khi mình có đam mê, đồng nghĩa với việc mình sẽ bỏ toàn tâm toàn ý vào. Cái đam mê của anh Quốc Anh chỉ là đam mê nhất thời thôi. Còn tôi sẽ nghĩ công việc đó mang lại giá trị gì, và biến những giá trị đó thành đam mê rồi bỏ toàn thời gian, bỏ cái tâm vào đó”.
Là 2 tuýp người khác nhau, việc đối nghịch quan điểm là chuyện khó có thể tránh khỏi. Nếu Phạm Tống Quốc Hoàng là mẫu người sống thực tế, thích trải nghiệm cuộc sống; Thì Bùi Quốc Anh thuộc tuýp người quy củ, khuôn khổ hơn, khi anh từng du học Úc nhưng sau đó bỏ ngang vì sốc văn hóa, mục tiêu nghề nghiệp của anh là trở thành một người làm thuê chuyên nghiệp.
Bạn trẻ nên khởi nghiệp hay làm thuê?
Ở tập 5 của Cơ hội cho ai, ứng viên Nguyễn Ngọc Dũng, 52 tuổi, có 18 năm đảm trách vị trí Quản lý kinh doanh khu vực và Giám đốc kinh doanh toàn quốc (vùng) đối đầu cùng ông Nguyễn Minh Tuấn, 49 tuổi, từng tham gia hoàn thành lắp đặt và chạy thử nhà máy nhựa hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam.
Chủ đề tranh luận của cặp đôi ứng viên trung niên là “Giới trẻ nên khởi nghiệp hay làm thuê?”. Rút phải chiếc thăm ngắn hơn, ông Tuấn là người trình bày quan điểm đầu tiên. Nam ứng viên ủng hộ giới trẻ Khởi nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm để bắt đầu, theo ông phải sau khi đi làm thuê từ 3-5 năm để hiểu rõ như thế nào là kinh doanh. Những gì bạn trẻ học được trên ghế nhà trường chỉ là nền tảng, chỉ khi nào các bạn đủ chín chắn, tích lũy đủ kinh nghiệm, có những đồng đội chung chí hướng, thì khi đó khởi nghiệp cũng không muộn.
Đối nghịch với ý kiến của đối thủ, ông Dũng khẳng định những bạn trẻ đủ tự tin, có khát vọng nên khởi nghiệp. Bản thân ông rất muốn khởi nghiệp, nhưng rất tiếc đã qua độ tuổi lý tưởng. Nam ứng viên U60 cho rằng đừng nghĩ khởi nghiệp phải thật to tác, đôi khi chỉ bắt đầu từ việc mở 1 quán trà sữa và làm sao để vận hành nó một cách suôn sẻ. Trong quá trình làm những dự án nhỏ, bạn trẻ có cơ hội để va chạm với mô hình của những Tập đoàn, Doanh nghiệp lớn hơn. Lúc ấy các bạn sẽ đối mặt với bài toán tiếp tục hay thất bại, các bạn cần những chuyên gia, những đồng đội để cùng đưa ra những mục tiêu rõ ràng hơn cho khởi nghiệp.
30 tuổi chưa mua được nhà riêng là thất bại?
Cặp đối đầu trong tập 7 là 2 chàng trai “tuổi trẻ tài cao” với ngoại hình ưa nhìn Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Phi Văn. Nguyễn Văn Hiền, 27 tuổi, có kinh nghiệm làm việc phong phú, từ chuyên viên kinh doanh đến giáo viên tiếng Anh, có 6 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp với khách hàng nước ngoài. Đối thủ của Văn Hiền, Nguyễn Phi Văn, 27 tuổi, có 8 kinh nghiệm làm việc, trải qua nhiều ngành nghề với nhiều vị trí, cấp bậc khác nhau.
Chủ đề tranh luận được “đo ni đóng giày” cho cặp đôi ứng viên điển trai trong tập 7 là “Bạn nhận định như thế nào về quan điểm “30 tuổi chưa mua được nhà riêng là thất bại?”. Văn Hiền là người chia sẻ quan điểm trước, anh cho rằng thất bại hay thành công được xét trên nhiều yếu tố, chứ không phải việc ai đó sở hữu một ngôi nhà hay một chiếc ô tô. “Nếu bạn không có 1 ngôi nhà, nhưng bạn có 1 công việc ổn định, có 1 cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì đã là một sự thành công rồi. Mỗi con người sẽ có một mục tiêu khác nhau!” – Chàng trai 27 tuổi khẳng định.
Đồng tình một phần với suy nghĩ của đối thủ, tuy nhiên Phi Văn bổ sung thêm “Đối với những người có tính cách ổn định, thì có thể với họ, chỉ cần hạnh phúc là đủ. Nhưng đối với bản thân em, một người làm kinh doanh, thì đến 30 tuổi không mua được nhà gọi là thất bại!”. Nam ứng viên chia sẻ thêm từ 25 đến 30 tuổi là thời điểm vàng, bởi lúc này, sự quyết tâm, nhiệt huyết, sức khỏe đang ở trạng thái tốt nhất để đạt được ước mơ. Nếu một người làm kinh doanh không đạt được điều đó là thất bại một phần.
Quan điểm của Phi Văn sau khi chương trình lên sóng đã nhận được khá nhiều phản hồi từ cộng đồng mạng, có đồng tình, có tranh luận. Những chủ đề mà chương trình Cơ hội cho ai đưa ra nhằm thử thách ứng viên có tính thực tế và mang ý nghĩa xã hội cao.
Giới trẻ hiện nay quan tâm đến lương đầu tiên, hơn là cơ hội phát triển?
Trong tập 11 của Cơ hội cho ai, cặp đôi ứng viên tham gia thi đấu để giành cơ hội được “chốt thương lượng” chung cuộc là Vũ Ngọc Dũng, 29 tuổi, tốt nghiệp Đại học Exeter (Anh Quốc), và Lưu Đức Hiếu, 26 tuổi, tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh trường Đại học Lincoln (Oakland, California, Mỹ).
Chủ đề tranh luận của cặp đôi ứng viên tại vòng 1 – Đối mặt là “Có người khẳng định rằng: “Giới trẻ ngày nay đi làm quan tâm đến lương đầu tiên hơn là cơ hội phát triển”. Bạn nghĩ gì về quan điểm này?”.
Là người trình bày quan điểm đầu tiên, Ngọc Dũng cho rằng đối với những sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, thì khó có thể đòi hỏi mức lương cao. Trong quá trình loay hoay với công việc mức lương thấp nhằm học hỏi kinh nghiệm, để xác định đâu là môi trường phù hợp với bản thân, chàng du học sinh xứ sở sương mù chia sẻ giải pháp của anh là nhảy việc. “Khi còn trẻ, gia nhập tổ chức với vị trí nhân viên thì khó lòng có thể hiểu được bộ máy vận hành của cả doanh nghiệp. Sau khi đi làm vài tháng, nếu cảm thấy không phù hợp thì có thể ra đi”, nam ứng viên cho biết thêm.
Có nét tương đồng với đối thủ, Đức Hiếu cũng từng hy vọng vào mức lương cao ngay sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ và trở về Việt Nam. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm việc gần như “zero”, nam ứng viên sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp để học hỏi. Về chủ đề tranh luận mà chương trình đưa ra, Đức Hiếu cho rằng không nên nghĩ rằng nhận lương thấp mới có cơ hội phát triển. Thay vào đó, bạn trẻ hãy nghĩ thoáng hơn rằng có thể học hỏi từ những điều nhỏ nhất ở bất cứ công việc nào, như: cách sử dụng máy photocopy, cách chuẩn bị một bộ hồ sơ thầu, cách tham gia một cuộc họp hiệu quả. “Mình nên xác định đang đứng ở đâu, muốn học hỏi gì và định hướng phát triển của bản thân là gì? Học hỏi từ công việc lương cao và học hỏi từ công việc lương thấp, chắc các bạn có câu trả lời cho mình rồi”, chàng trai 26 tuổi khẳng định.
Trong tập 11 của Cơ hội cho ai, cặp đôi ứng viên tham gia thi đấu để giành cơ hội được “chốt thương lượng” chung cuộc là Vũ Ngọc Dũng, 29 tuổi, tốt nghiệp Đại học Exeter (Anh Quốc), và Lưu Đức Hiếu, 26 tuổi, tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh trường Đại học Lincoln (Oakland, California, Mỹ).
Chủ đề tranh luận của cặp đôi ứng viên tại vòng 1 – Đối mặt là “Có người khẳng định rằng: “Giới trẻ ngày nay đi làm quan tâm đến lương đầu tiên hơn là cơ hội phát triển”. Bạn nghĩ gì về quan điểm này?”.
Là người trình bày quan điểm đầu tiên, Ngọc Dũng cho rằng đối với những sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, thì khó có thể đòi hỏi mức lương cao. Trong quá trình loay hoay với công việc mức lương thấp nhằm học hỏi kinh nghiệm, để xác định đâu là môi trường phù hợp với bản thân, chàng du học sinh xứ sở sương mù chia sẻ giải pháp của anh là nhảy việc. “Khi còn trẻ, gia nhập tổ chức với vị trí nhân viên thì khó lòng có thể hiểu được bộ máy vận hành của cả doanh nghiệp. Sau khi đi làm vài tháng, nếu cảm thấy không phù hợp thì có thể ra đi”, nam ứng viên cho biết thêm.
Có nét tương đồng với đối thủ, Đức Hiếu cũng từng hy vọng vào mức lương cao ngay sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ và trở về Việt Nam. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm việc gần như “zero”, nam ứng viên sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp để học hỏi. Về chủ đề tranh luận mà chương trình đưa ra, Đức Hiếu cho rằng không nên nghĩ rằng nhận lương thấp mới có cơ hội phát triển. Thay vào đó, bạn trẻ hãy nghĩ thoáng hơn rằng có thể học hỏi từ những điều nhỏ nhất ở bất cứ công việc nào, như: cách sử dụng máy photocopy, cách chuẩn bị một bộ hồ sơ thầu, cách tham gia một cuộc họp hiệu quả. “Mình nên xác định đang đứng ở đâu, muốn học hỏi gì và định hướng phát triển của bản thân là gì? Học hỏi từ công việc lương cao và học hỏi từ công việc lương thấp, chắc các bạn có câu trả lời cho mình rồi”, chàng trai 26 tuổi khẳng định.
Trong môi trường công sở, im lặng có phải là vàng?
Cặp đôi ứng viên tham gia tranh tài ở vòng Đối mặt của tập 13 Cơ hội cho ai là Trần Đại Nghĩa, 29 tuổi, học vấn “khủng”. Đối thủ của Đại Nghĩa là Tô Thị Thu Thảo, 27 tuổi, sở hữu bằng Kiến trúc sư chuyên ngành về quy hoạch vùng và đô thị, thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc.
Chủ đề tranh luận của cặp đôi ứng viên là “Trong môi trường công sở, im lặng có phải là vàng?”. Là người trình bày quan điểm đầu tiên, Đại Nghĩa khẳng định việc im lặng trong môi trường công sở sẽ kiềm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không thể làm nên những điều mới mẻ, cũng như không thể giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng. Anh cũng chia sẻ thêm, đối với ngành kiến trúc của anh, im lặng nơi công trường là một điều xa xỉ.
Đưa ra một góc nhìn khác với đối thủ, Thu Thảo cho rằng trong môi trường công sở có những vấn đề cần im lặng và có những vấn đề không cần. Ví dụ như nếu vấn đề phát sinh từ tán gẫu công sở, thì nên im lặng, còn nếu liên quan đến công việc thì phải lên tiếng. Nữ ứng viên chia sẻ ở tập đoàn trước đây cô làm việc có 1 triết lý rất hay là “Chúng ta không bao giờ phát triển nếu chúng ta không trao đổi”. Ở doanh nghiệp đó, lãnh đạo khuyến khích nhân viên nên ngồi lại với nhau, trao đổi để ra vấn đề trước khi sử dụng e-mail, tránh việc tranh luận qua e-mail.
“Có một vấn đề mình thường thấy là mọi người sử dụng e-mail để đùn đẩy trách nhiệm. Và khi một ai đó không dám quyết định một chuyện gì đó thì thường e-mail cho rất nhiều người để không chịu trách nhiệm. Mình thấy trong trường hợp này chỉ cần ngồi lại với nhau trao đổi là có thể giải quyết được. Rồi cuối cùng chúng ta mới dùng đến bước e-mail để chốt lại, làm bằng chứng cho tất cả mọi chuyện”, cô gái 27 tuổi cho biết.
Thực tế, phần phản biện tại Cơ hội cho ai vừa là cơ hội cho các ứng viên thể hiện bản thân, vừa là thời điểm các sếp nhìn nhận được những nhân tài tiềm năng thông qua tư duy, quan điểm mà họ thể hiện. Đây là phương pháp giúp các doanh nghiệp nhận được những nhân tài xứng đáng mà mình cần trong chương trình. Bên cạnh đó, với khán giả theo dõi chương trình, các quan điểm của ứng viên đưa ra cũng tạo cơ sở để khán giả xem xét, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Theo VTV.vn