Nên viết gì vào CV nếu bạn có … quá nhiều kinh nghiệm?

2020-03-28 03:03

Có bao giờ bạn phải lo lắng vì mình có … quá nhiều kinh nghiệm?

Không thể phủ nhận, lịch sử làm việc dài chính là nền tảng thuận lợi giúp bạn xây dựng bộ kỹ năng và kinh nghiệm theo thời gian. Tuy nhiên, nó cũng có nghĩa là bạn phải tốn thêm chút công sức mới có thể đảm bảo rằng CV của mình có độ dài gói gọn trong 2 trang như hầu hết nhà tuyển dụng vẫn ưa thích.

Dưới đây là một số lời khuyên, hãy tham khảo để chắc rằng bạn chỉ đang chia sẻ những thông tin liên quan và hữu ích nhất dù cho lịch sử làm việc có dài như thế nào.

CV NÊN DÀI MẤY TRANG?

Bất kể quá trình làm việc của bạn “thăng trầm” ra sao, một bản lý lịch vừa đủ thường chỉ nên dài không quá 2 trang.

Rõ ràng việc giữ cho CV được ngắn gọn, cô đọng, súc tích khi có quá nhiều điều cần kể sau quá trình làm việc dài là cực kỳ khó khăn, nhưng không có nghĩa là không thể.

Trên thực tế, nếu bạn đủ quyết tâm cắt bỏ vài nội dung đang trình bày, đồng thời luôn bám sát tiêu chí mọi nội dung trong CV phải 100% liên quan đến công việc ứng tuyển, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

CÁC PHƯƠNG ÁN VIẾT CV KHI LỊCH SỬ LÀM VIỆC QUÁ DÀI

  • Do có quá nhiều kinh nghiệm:

Bí quyết hàng đầu: Chỉ đề cập đến những kinh nghiệm gần nhất hoặc liên quan đến vai trò ứng tuyển nhất.

Nếu bạn đã có quá trình đi làm nhiều năm, không gì ngạc nhiên nếu lịch sử làm việc vượt 2 trang giấy. Giải pháp là đừng ghi tất cả mọi thứ bạn từng làm vào CV.

Ví dụ, một công việc bạn từng phụ trách cách đây 10 năm có lẽ không phải là phần thiết yếu trong CV – đặc biệt khi kinh nghiệm từ các công việc gần nhất cũng đã bao hàm toàn bộ khả năng tương tự. Nhưng nếu bạn thực sự vẫn muốn nhắc đến nó, hãy ghi mỗi tên công ty và chức danh là đủ.

Ngoài ra, các dạng trình bày như “Các vị trí marketing (từ năm – năm)” cũng đủ ổn.

Hãy làm điều tương tự với các vai trò không thể hiện kỹ năng cần thiết cho công việc đang ứng tuyển, bất kể đó là một mảng hoàn toàn khác hay là bạn có nhiều kiến thức kinh nghiệm hơn so với công việc đang tuyển dụng.

Ngay khi thấy nghi ngờ, hãy xem lại mô tả công việc. Kinh nghiệm làm việc nào không chứng minh được sự phù hợp của bạn với vai trò đang nhắm tới, cứ mạnh dạn gạt qua một bên.

  • Lịch sử làm việc bị “đứt quãng”:

Bí quyết hàng đầu: Luôn giải thích hợp lý về những “khoảng trống” trong lịch sử làm việc vào thư xin việc.

Người sở hữu lịch sử làm việc lâu dài không nhất thiết phải là người làm việc liên tục không ngừng. Đó có thể là nghỉ phép dưỡng bệnh, chăm sóc gia đình, đi du lịch, học lên cao, khởi nghiệp, “gap year” hay tạm ngưng làm việc… Sẽ luôn có hàng tá lý do khiến lịch sử làm việc của một người bị gián đoạn. Ngay cả khi bạn đã sở hữu kinh nghiệm làm việc kéo dài hơn 20 năm.

Nếu bạn từng làm nhiều việc, thông tin này có thể đánh lạc hướng chú ý của người xem ra khỏi “khoảng trống” trong quá trình làm việc và khiến chi tiết này hoàn toàn chấp nhận được.

Bạn cũng nên thể hiện rằng mình là người chủ động với thời gian cá nhân thông qua việc tham gia hoạt động tình nguyện, các khoá học ngắn hoặc những sở thích giúp bản thân bận rộn theo cách tích cực.

Cần trình bày diễn tiến thời gian theo cách có lợi. Bỏ qua ngày tháng, chỉ chừa lại năm mà bạn đã làm tại các công ty là cách để những gián đoạn bớt thu hút sự chú ý.

Và nếu tất cả các cách kể ra ở trên đều chưa đủ, thư xin việc là lựa chọn hoàn hảo để xử lý các “khoảng trống” khó giải thích. Với cách này thì bạn không cần phải hi sinh chút không gian quý giá nào trên CV cả. Nhưng lưu ý rằng các lý lẽ đưa ra luôn trung thực, chân thành và tích cực.

  • Nếu bạn thường xuyên “nhảy việc”

Bí quyết hàng đầu: Gom các công việc tương tự nhau lại trong một chức danh.

Với vài đối tượng như cộng tác viên tự do, nhân viên hợp đồng, người làm bán thời gian hoặc một số lĩnh vực như sáng tạo, nghệ thuật thì việc thường xuyên thay đổi chỗ làm được xem là bình thường, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều nhà tuyển dụng chưa thể có cái nhìn thoải mái hoặc ủng hộ lịch sử “nhảy việc” nhiều của ứng viên.

Nhưng vẫn luôn có cách để xoay chuyển tình huống. Kết hợp các vai trò tương tự nhau lại là cách tuyệt vời để giữ cho CV ngắn gọn, trong khi vẫn có thể làm nổi bật các kỹ năng, thành tích phù hợp nhất trong mỗi vai trò đó. Chẳng hạn như ghi: “Trợ lý tiếp thị, tại công ty [X] và [Y] (trong khoảng thời gian), hoặc “phụ trách vị trí IT tạm thời cho nhiều công ty (trong khoảng thời gian)”.

Ngoài ra, bạn còn có thể giải thích lý do các lần nhảy việc qua thư xin việc, nhất là trong những trường hợp bạn không chủ động hoặc tự nguyện nghỉ (công ty tái cơ cấu, dư thừa nhân viên hoặc thu hẹp hoạt động…), hoặc dựa trên quá trình phát triển sự nghiệp với những gặt hái chứng minh cho tham vọng, quyết tâm cùng thái độ sẵn sàng học hỏi và trưởng thành của bạn.

LỜI KẾT

CV của bạn hiện vẫn đang dài hơn 2 trang?

Bạn vẫn có khả năng cắt ngắn! Giảm bớt những trách nhiệm của từng vai trò sẽ giúp bạn sắp xếp mọi thứ gọn gàng, hợp lý, chưa kể nó còn giúp những thành tựu chính trở nên nổi bật hơn. Hãy tham khảo thêm cách sử dụng công cụ để tạo ra cho riêng mình một bản CV hay.

Cuối cùng, cần nhớ rằng, CV là công cụ để bạn giới thiệu về bản thân với những người quan tâm. CV không cần phải là bản liệt kê tất cả mọi thứ bạn từng làm. Vì vậy, hãy mạnh dạn loại bỏ tất cả các cụm từ không cần thiết, sáo rỗng hoặc những phần không đóng góp thêm giá trị. Các nhà tuyển dụng và sếp tương lai sẽ rất cảm kích bạn vì điều này!

theo careerbuilder