Dưới ảnh hưởng của COVID-19, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và khắp thế giới đang phải đối mặt với nhiều gián đoạn và rủi ro. Với tinh thần “hi vọng vào điều tốt nhất, nhưng chuẩn bị cho điều xấu nhất”, những gợi ý sau giúp các lãnh đạo xem xét lại những khía cạnh quan trọng của doanh nghiệp và có sự dịch chuyển cần thiết để đón đầu thời kỳ khó khăn.
Tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh và Quản trị đồng thời là giảng viên chương trình MBA và Thạc sĩ Thương mại Toàn cầu (Master of Global Trade) tại Đại học RMIT Việt Nam, đã chia sẻ những gợi ý giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
1. Rà soát nguồn lực
Bằng việc xem xét lại cơ cấu hiện tại và xác định những nguồn lực thiết yếu để vận hành, doanh nghiệp có thể củng cố hoặc luân chuyển các nguồn lực này để đảm bảo toàn bộ “cỗ máy” vận hành hiệu quả nhất. Chẳng hạn, lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạm thời luân chuyển nhân viên bộ phận nghiên cứu thị trường sang bộ phận chăm sóc khách hàng.
2. Chia nhỏ rủi ro
Cân nhắc chia ban quản lý và nhân viên thành hai nhóm không tiếp xúc trực tiếp với nhau để đảm bảo hoạt động được diễn ra xuyên suốt. Điều này rất quan trọng để có thể đảm bảo kinh doanh liên tục. CEO nên tránh tương tác trực tiếp với người phó của mình. Mỗi bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp cần có hai người lãnh đạo và cách tiếp cận này cần được triển khai từ các cấp quản lý cao đến thấp. Các nội dung công việc nên được phụ trách bởi hai phía để có thể dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có thành viên bị gián đoạn công việc.
3. Sẵn sàng làm việc từ xa
Chuẩn bị ngay hôm nay những công cụ cho phép nhân viên điều phối công việc từ xa. Đối với doanh nghiệp hiện đại, đa số các quyết định hay hành động đều có thể được thực hiện mà không cần gặp gỡ trực tiếp. May mắn là chúng ta có rất nhiều công cụ trợ giúp, đôi khi là miễn phí, để đạt được điều đó. Điều này cần các bậc quản lý phải tin tưởng nhân viên của mình và đảm bảo điều kiện cần thiết như chính sách và hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp để nhân viên có thể thoải mái làm việc từ xa. Thường thì nhân viên chỉ cần một chiếc máy tính xách tay để có thể tham gia họp trực tuyến.
4. Thông tin kịp thời và rõ ràng
Đối với các bên liên quan bao gồm cả nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp, cần phải có thông tin đầy đủ và rõ ràng về kế hoạch và định hướng của bạn về diễn tiến của giai đoạn khủng hoảng. Sự rõ ràng là điều vô cùng quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng. Đừng quên chọn một kênh thống nhất để gửi đi thông điệp, tránh gây ra những hiểu lầm không cần thiết.
5. Rút ra bài học
Hãy đảm bảo bạn rút được bài học cho doanh nghiệp của mình sau giai đoạn này. Bạn có biết cách lên kế hoạch để ứng phó tốt hơn cho lần sau? Đâu là những rủi ro lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp của bạn?
theo cafebiz