Lãnh đạo các doanh nghiệp khuyên những người trẻ quan tâm tới môi trường làm việc với nhiều cơ hội tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, thay vì đòi hỏi mức lương.
Liên quan đến thu nhập và chế độ đãi ngộ với người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp có nhiều trăn trở, đặc biệt với các bạn trẻ khi xin việc. Trong chương trình thực tế tìm việc làm, sau khi quyết định không chọn ứng viên Phạm Bá Thiềm, 27 tuổi, sếp Trần Tuấn Anh, CEO Shopee Việt Nam, đưa ra lời khuyên: “Với những bạn trẻ dưới 30 tuổi, việc đầu tiên phải đầu tư là học hỏi chứ không phải lương. Khi tôi về Việt Nam, tôi nhận lương chỉ bằng 30% ở nước ngoài, lý do là vì có những điều mới muốn học. Nếu bạn học được kỹ năng mà thị trường đang cần thì trong tương lai, thu nhập của bạn sẽ cao hơn rất nhiều”.
Cùng quan điểm với CEO Shopee, sếp Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CenGroup, thẳng thắn với ứng viên Trần Thị Phương Thảo, 25 tuổi: “Khi bạn đi làm đừng đến nói với các sếp rằng em muốn đến đây để được học hỏi, được thăng tiến, được cái này cái kia. Thế chúng tôi được cái gì? Em mang đến cho công ty chúng tôi cái gì? Ít nhất cái mà bạn luôn cần có là thời gian, tuổi trẻ và sự nhiệt huyết”.
Trong khi đó, ứng viên Phùng Thị Hồng Ngọc, 22 tuổi, là một tình huống thực tế cho các sinh viên mới tốt nghiệp về việc thỏa thuận lương với nhà tuyển dụng. Sếp Lưu Nga, CEO Elise, đồng ý tuyển dụng Hồng Ngọc ở vị trí lễ tân công ty bởi “mới ra trường chưa đủ kinh nghiệm và tự tin, ngày hôm nay có thể em chưa thể hiện tốt nhưng em vẫn có quyền có cơ hội”. Tuy nhiên, mức lương kỳ vọng của Hồng Ngọc là 9 triệu đồng, trong khi CEO Elise chỉ đưa ra 7 triệu đồng. Hồng Ngọc đã tụt mất cơ hội việc làm vì không xác định được mục tiêu công việc rõ ràng và đưa ra mức lương kỳ vọng cao hơn khả năng hiện có của bản thân.
Trong khi đó một số ứng viên lại được nhiều nhà tuyển dụng giành giật và đưa ra mức lương cao để chiêu mộ như Phạm Thị Nhung, 31 tuổi, với 7 năm kinh nghiệm quản lý bán hàng. Cô được cả 5 sếp: Gabor Fluit, Tổng giám đốc DE HEUS châu Á; Vũ Mạnh Hùng, chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn; Lưu Nga, CEO Elise; Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó chủ tịch Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp, Thành viên Thường trực HĐQT Tập Đoàn TiKi và Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CenGroup, chiêu mộ với mức lương từ 35 đến 45 triệu đồng. Cuối cùng ứng viên lựa chọn về với sếp Hưng với mức lương 45.678.900 đồng ở vị trí Giám đốc kinh doanh.
Bên cạnh đó việc công khai mức lương thỏa thuận giữa nhà tuyển dụng và người lao động ngay trên sóng truyền hình cũng khiến nhiều người băn khoăn bởi thu nhập của người lao động tại một số doanh nghiệp được cho là bí mật. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đây là điều nên làm.
Theo bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Dịch vụ Tuyển dụng và Tư vấn Nhân sự tập đoàn Manpower Group VN, quan điểm bí mật mức lương giữa nhà tuyển dụng và người lao động sẽ tuỳ thuộc vào chính sách mỗi công ty. Tuy nhiên, ngày càng nhiều hơn các công ty công khai dải lương và thu nhập. Việc mức lương được đàm phán và ký kết công khai thể hiện sự minh bạch của nhà tuyển dụng, yếu tố được các ứng viên đề cao.
Sếp Phùng Tuấn Hà – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO cho biết: “Khi tham gia tuyển dụng trên truyền hình, chúng tôi phần nào đánh giá được năng lực của ứng viên để đưa ra mức lương và đãi ngộ phù hợp, cũng như hình dung cho các bạn về công việc tại doanh nghiệp. Tôi cho rằng mọi thứ công khai, minh bạch sẽ dễ làm việc cho cả hai bên sau này”.
Đa số các ứng viên tham gia ứng tuyển trên chương trình này đều đồng ý với quan điểm nên công khai mức lương. Ứng viên tìm được vị trí trợ lý giám đốc mua hàng Nguyễn Thị Thu Thủy tại công ty của sếp Lưu Nga chia sẻ: “Việc công khai mức lương sẽ truyền cảm hứng và niềm tin cho những bạn khác. Bạn cũng sẽ làm được như thế và thậm chí còn hơn thế. Khi cố gắng hết mình, dám đương đầu với thử thách trong công việc, bạn sẽ còn nhận được nhiều hơn nữa”.
theo ngoisao