4 tố chất không thể thiếu ở một nhà lãnh đạo thực thụ

2020-06-24 09:06

Đa số mọi người đều nghĩ đến kinh nghiệm chuyên môn hay khả năng giám sát, điều hành,…là các yếu tố cần ở một nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, những điều trên chỉ giúp bạn làm tốt công việc quản lý, để làm tốt công việc lãnh đạo, bạn cần nhiều hơn như thế. Bởi bạn chính là người “đầu tàu” giữ nhiệm vụ gắn kết và truyền cảm hứng cho toàn bộ nhân viên của công ty. Thế nên để trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ, bạn không thể bỏ qua các yếu tố sau. 

Khả năng lắng nghe ý kiến trái chiều

Đây là một khả năng không phải ai cũng có được hoặc rèn luyện được, bởi đối với một người bình thường việc chấp nhận lắng nghe những chỉ trích từ người khác đã rất khó. Ở vị trí một nhà lãnh đạo với năng lực và quyền lực trong tay, việc lắng nghe những ý kiến trái ngược với ý mình càng không dễ. Thế nhưng, nếu không tôi luyện được khả năng này thì bạn rất dễ trở thành một nhà lãnh đạo độc tài chỉ thích làm theo ý mình.

Mặt khác, việc tiếp thu và lắng nghe các ý kiến từ cấp dưới, cũng là cách giúp bạn nhanh chóng thu phục được lòng tin, sự trung thành và sự kính trọng từ họ. Những ý kiến từ mọi người luôn có thể đúng, có thể sai, nhưng động thái lắng nghe, phân tích và phản hồi một cách tích cực luôn tạo nên hình ảnh một lãnh đạo chuẩn mực trong mắt nhân viên, đối tác và khách hàng.

Khả năng kiểm soát cảm xúc tốt

Đây là yếu tố sẽ hỗ trợ cho nhà lãnh đạo có thể thực hiện tốt khả năng lắng nghe, xử lý thông tin và phản hồi tích cực đã nêu phía trên. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay trí thông minh cảm xúc (EQ) lại được đánh giá cao hơn trí thông minh logic (IQ) trong môi trường kinh doanh, làm việc. Bởi vì một nhà lãnh đạo giỏi không hẳn phải là người có kỹ năng chuyên môn hay khả năng làm tốt nhất tất cả mọi chuyện, mà họ chính là người biết khai thác, sử dụng và điều hành những người giỏi hơn làm việc theo ý mình.

Và để làm được điều này, nhà lãnh đạo cần có một sự tỉnh táo cao độ để không bị cảm xúc lấn át lý trí trong quá trình giao tiếp và xử lý công việc với con người. Việc quá nóng nảy, ra quyết định trong cơn thịnh nộ hay quá mềm yếu giải quyết vấn đề theo cảm tính đều không hề tốt cho một người lãnh đạo, bởi chúng sẽ dẫn bạn vào tình trạng bị xa rời tập thể hoặc bị chính tập thể dẫn dắt ngược lại, dần mất đi sự kiểm soát, chủ động trong công việc.

Hiểu được tầm quan trọng của mối quan hệ

Chăm chút, xây dựng các mối quan hệ tốt trong cuộc sống là một bước quan trọng trên con đường trở thành nhà lãnh đạo thành công. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng không ai có thể trở thành lãnh đạo nếu chỉ làm việc độc lập mà không kiến tạo các mối quan hệ với cộng sự, nhân viên, khách hàng hay đối tác. Hơn nữa, việc nhận thức được tầm quan trọng để giữ gìn và phát triển những mối quan hệ cũ lẫn mới còn giúp nhà lãnh đạo củng cố vị thế và ngày càng vươn xa hơn trong sự nghiệp với những sự hỗ trợ và cơ hội đến từ những mối quan hệ tốt đẹp mà bạn đã tạo dựng.

Khả năng tạo động lực

Khi điều hành một công ty hay doanh nghiệp, sẽ khó tránh khỏi những giai đoạn khó khăn, áp lực công việc tăng cao, hoặc đơn thuần là một thành viên trong công ty gặp những trở ngại cá nhân không thể hoàn thành tốt công việc. Tất cả những điều này sẽ gây ra ảnh hưởng lên hiệu suất làm việc chung của tập thể nếu nhà lãnh đạo thiếu kỹ năng khuyến khích, tạo động lực làm việc cho nhân viên của mình. 

Chỉ bằng những sự quan tâm, lời thăm hỏi động viên nhân viên khi nhân viên gặp khó khăn, hay những hành động nho nhỏ như ở lại công ty để cùng làm việc trong những giai đoạn cần tăng ca và có phần thưởng xứng đáng, sẽ tạo nên sự khác biệt rất lớn đến năng suất và thái độ làm việc của nhân viên.

theo vieclam24h