Đừng bao giờ nói 11 điều này trong buổi phỏng vấn

2020-06-09 03:06

Khi đi phỏng vấn bạn luôn nỗ lực hết mình để đưa ra những câu trả lời hoàn hảo nhất cho nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, sự lo lắng hồi hộp khiến bạn mất bình tĩnh và đôi khi đưa ra những câu trả lời không như mong muốn.

Nhưng dù có như thế nào thì bạn vẫn nên tránh “11 điều không nên nói khi đi phỏng vấn” sau:

1. “Tôi không có câu hỏi gì”

Bạn không nên nói ra điều này vì chứng tỏ bạn chưa chuẩn bị gì cho buổi phỏng vấn này hoặc bạn không hứng thú với buổi phỏng vấn. Nên chuẩn bị vài câu hỏi về công ty để tỏ rõ bạn có tìm hiểu kỹ về công ty hoặc hỏi lại người phỏng vấn về những điều đã chia sẻ để chứng tỏ bạn rất tập trung với cuộc phỏng vấn này. Bạn nên hỏi sơ qua về vị trí bạn đang phỏng vấn nếu trúng tuyển: Mức độ, trách nhiệm của công việc.

2. “Xin lỗi, tôi lại không biết làm việc đó”

Nói thẳng điểm yếu của mình nhưng đồng thời nhấn mạnh khả năng khác. Đừng từ chối ngay một vị trí chỉ vì nghĩ rằng không làm được. Có thể dung hòa bằng câu nói: Tôi không được đào tạo về chuyên ngành này nhưng tôi tin mình có thể làm được nếu các ông cho tôi một cơ hội.

Hầu hết các công ty đều thích nhận những người thông minh, nhiệt tình, cần đào tạo hơn là nhận những người đáp ứng chuyên môn yêu cầu nhưng không sẵn sàng học hỏi.

3. “Công ty của ông chuyên làm gì?”

Hãy đặt những câu hỏi chứng tỏ bạn hiểu biết rõ về công ty và trong tư thế sẵn sàng làm việc. Không nên hỏi những câu mà đáng lẽ ra bạn phải biết rõ câu trả lời hoặc bạn có thể kiếm được thông tin dễ dàng qua trang web của công ty hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhà tuyển dụng sẽ rất cáu và sẽ thắc mắc: “Nếu bạn không biết công ty kinh doanh cái gì thì bạn định làm gì ở đây?”

4. Ông/bà sẽ hối tiếc nếu không thuê tôi

Nếu bạn tự tin nói rằng “Ông/Bà sẽ hối tiếc nếu không thuê tôi vì tôi là người có đủ tiêu chuẩn nhất cho vị trí này” thì đó là điều sai lầm trừ phi bạn đã nắm được thông tin và đánh giá khả năng của những ứng viên khác. Nhưng điều đó là không thể. Quá tự tin đôi khi cũng gây phản ứng ngược cho người tuyển dụng.

5. “Công ty cũ có nhiều điểm không tốt”

Trong buổi phỏng vấn, nếu bạn nói xấu công ty cũ nghĩa là bạn đang “tự đào hố chôn mình” đó. Nhà tuyển dụng chắc chắn lo ngại nếu phải tuyển một người nói xấu về công ty cũ, người hay than vãn. Hoặc chẳng may, sếp công ty cũ quen biết với người đang phỏng vấn bạn thì bạn lại càng mất điểm, mất cơ hội. Nếu thật sự bạn có điều không hài lòng về công ty cũ của mình, thì tốt nhất cũng nên im lặng.

 6. “Tôi sẽ sướng phát điên nếu được nhận công việc này”

Có thể đó là những lời bạn bè thường nói chuyện với nhau (nó trở thành thói quen của bạn) nhưng bạn không nên nói câu này trong khi phỏng vấn. Sử dụng tiếng lóng sẽ làm cho người phỏng vấn chán ngấy bạn. Có thể bạn thông minh, nói năng lưu loát, tự tin, nhưng chắc chắn bạn không nên nói năng như vậy, đây hoàn toàn không phải cách gây cười hay.

7. “Đó là 1 câu hỏi thú vị đấy!”

Tuy rằng đây là một câu “cứu bí” cho bạn vô cùng hữu dụng trong giao tiếp thường ngày, nhưng việc ứng dụng vào buổi phỏng vấn đôi khi lại phản tác dụng. Đừng tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi, mà hãy cho họ thấy bạn đã có sự chuẩn bị và ứng phó từ trước. Thẳng thắn, thẳng thừng và súc tích là đủ.

 8. “Có thể cho tôi biết tên vị trí này lại một lần nữa được không?”

Câu hỏi trên, hoặc bất kì câu hỏi nào cho thấy bạn thiếu nghiên cứu về công ty sẽ dễ dàng khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là một ứng viên hời hợt và tắc trách. Thay vì hỏi những câu hỏi “sáo rỗng” mà bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng, hãy đào sâu hơn vào những khía cạnh khác liên quan đến văn hoá, tính cách, và giá trị công ty mang lại cho thị trường.

9. “Dù tôi chưa trải qua công việc này bao giờ, nhưng ….”

Không cần phải kể lễ dài dòng, vì kinh nghiệm của bạn như thế nào thì hồ sơ ứng tuyển của bạn đã thể hiện như thế cả rồi. Thay vào đó, hãy xem như khoảnh khắc này đây, chính là giây phút để bạn có thể tự đưa ra quyết định của mình về công việc sắp tới. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn phù hợp với công việc này như thế nào – một điều mà không một dòng mô tả nào trong CV bạn có thể diễn đạt.

10. “Anh/ chị có 1 chiếc đồng hồ thật đẹp đấy!”

Khen cũng phải có chiến thuật và sự tinh tế. Thay vì khen những món đồ trang sức đắt tiền trên người của nhà tuyển dụng, hãy tán dương những thành tựu mà họ đã gặt hái được trong thời gian qua và cho thấy bạn cảm thấy tự hào như thế nào khi được trở thành 1 phần của tổ chức.

11. “Mọi người có thích làm việc tại đây không?”

Hãy hỏi một cách thẳng thắn về tính cách, văn hoá và tinh thần của mọi người. Hoặc có 1 cách khác là hãy hỏi những cựu nhân viên về những điều thắc mắc trên để bạn có một góc nhìn toàn diện nhất.

theo HR insider/ vietnamworks