Đánh bại giám đốc nhân sự, cô gái 25 tuổi nhận việc lương 30 triệu đồng

2020-11-23 10:11

Không giàu kinh nghiệm hơn đối thủ là cựu giám đốc nhân sự nhưng Trương Thị Hà Trang vẫn thuyết phục được các sếp doanh nghiệp chọn mình và đầu quân cho PNJ với mức lương trên 30 triệu đồng.

Xuất hiện trong chương trình thực tế tìm việc làm Cơ hội cho ai vừa phát sóng là cuộc đối đầu gay cấn giữa hai ứng viên Bùi Đoàn Chung (35 tuổi) và Trương Thị Hà Trang (25 tuổi). Bùi Đoàn Chung, cử nhân ngành Quản trị Kinh Doanh, có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, hành chính, trong đó 7 năm đảm nhận ví trí quản lý, giám đốc Nhân sự. Trong khi đó, Trương Thị Hà Trang, cử nhân Kinh tế, có 4 năm kinh nghiệm trong hai công ty khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ, ẩm thực và đồ uống.

Với chủ đề: “Trong môi trường công sở, bạn nhận định như thế nào về việc ma cũ bắt nạt ma mới?”, cặp ứng viên buộc phải thể hiện được chuyên môn về quản trị nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp để có thể nhận được cơ hội tuyển dụng.

Là người có nhiều kinh nghiệm quản lý nhân sự, Đoàn Chung nhận định đây là một hiện tượng phổ biến trong môi trường công sở. Nguyên nhân của vấn đề là do công ty không có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ về nội quy lao động, cho đến những vấn đề đào tạo nhân sự trong giai đoạn đầu tiên. Đặc biệt ở những công ty thiếu quy trình đón tiếp ứng viên. Chung đưa ra giải pháp rằng “công ty cần phải xây dựng quá trình hội nhập cho nhân viên một cách bài bản, tránh việc người mới cảm thấy bơ vơ, lạc lõng trong những ngày đầu”, để nhân viên mới cảm nhận được sự quan tâm và chia sẻ.

Đối thủ Hà Trang lại cho rằng có những vấn đề “mềm” mà quy định cứng nhắc khó có thể tháo gỡ được. Những nhân sự mới cần phải nỗ lực hòa nhập với văn hóa công ty và chủ động đón nhận công việc được giao.

Phản biện đối thủ, Đoàn Chung chất vấn nếu “ma mới” bị “ma cũ” sai vặt thì Hà Trang phải làm gì để người mới không có cảm giác bị coi thường và sẵn sàng đón nhận công việc đó. Hà Trang cho rằng một số nhân viên mới khi bắt đầu làm việc thường bị choáng ngợp bởi nhiều quy trình mà họ không kịp nắm bắt nên dễ dẫn đến cảm giác “bị bắt nạt”. Vì vậy mỗi công ty đều phải có quy trình đón tiếp nhân sự trong ngày đầu tiên, phân công công việc rõ ràng giữa các nhóm nhân sự, đánh giá trước – trong – sau quá trình làm việc. Như vậy sẽ kiểm soát được chất lượng công việc, đánh giá được đúng vai trò, đúng chức năng của mỗi nhân sự.

Tiếp đến Hà Trang cũng tự tin chất vấn đàn anh: “Theo anh Đoàn Chung, trong quy trình đón tiếp nhân sự mới trong ngày đầu tiên, bước nào là quan trọng nhất?”. Là một quản lý Nhân sự giàu kinh nghiệm, Đoàn Chung chia sẻ quy trình đón tiếp một cách bài bản: “Bước đầu tiên là bước chuẩn bị. Trước ngày ứng viên nhận việc, cần có sự phân công rõ ràng người nào chuẩn bị việc gì. Ví dụ bộ phận IT phải chuẩn bị máy tính, bộ phận office chuẩn bị văn phòng phẩm, chỗ ngồi, có thể mua thêm hoa để tặng, có những tấm thiệp hoặc món quà để cho các bạn thấy mình được đón tiếp chu đáo và để lại ấn tượng cho ứng viên”.

Đồng tình với cách xử lý của Đoàn Chung, tuy nhiên Hà Trang cho rằng nên áp dụng công nghệ vào để tiết kiệm thời gian, mọi thứ nên xử lý qua email là đủ. Không đồng tình, Đoàn Chung cho rằng để nhân sự mới dễ hòa nhập thì phần lớn phải tương tác trực tiếp, động viên và nắm bắt suy nghĩ của họ.

Kết thúc phần tranh luận của hai ứng viên, Hà Trang nhận được số điểm tuyệt đối, giành chiến thắng trước Đoàn Chung và bước tiếp vào vòng phỏng vấn trực tiếp cùng 6 sếp doanh nghiệp.

Sếp Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group, đặt câu hỏi: “Nếu có 30 giây để thể hiện với các sếp về tình yêu quê hương, đất nước, bạn sẽ nói gì?”. Hà Trang cho rằng việc phát triển bản thân chính là đóng góp tốt nhất cho đất nước. Điều thứ hai là khiến những cống hiến của bản thân lan tỏa đến nhiều người hơn. Thứ ba là đóng góp cho công ty, góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội.

Sếp Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ, hỏi xoáy Hà Trang: “Bạn mới 25 tuổi, chặng đường của bạn phía trước còn dài. Vậy tiêu chuẩn chọn sếp của bạn là gì?”. Hà Trang ngạc nhiên nhưng cô nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và cho biết bản thân cô chưa bao giờ nghĩ sẽ đi “tuyển sếp”. Cô hy vọng bản thân có thể học hỏi kinh nghiệm và sẵn sàng chấp nhận thử thách từ sếp của mình.

Với khả năng xử lý tình huống linh động và sự tự tin, cả 6 sếp doanh nghiệp ngồi ghế nóng đều mời Hà Trang về làm việc. Cụ thể, vị trí trợ lý trưởng ban nhân sự với mức lương 16.789.000 đồng từ sếp Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom; vị trí truyền thông nội bộ, mức lương 20 triệu đồng từ sếp Lưu Nga, Nhà sáng lập – Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang ELISE; vị trí chuyên viên nhân sự, mức lương 20 triệu đồng từ Lê Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc; vị trí nhân sự, mức lương 20 triệu đồng từ sếp Nguyễn Tuấn Lương, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam – VNPAY; vị trí trưởng phòng phát triển nguồn Nhân lực và Văn hóa Doanh nghiệp – kiêm trợ lý Ban Tổng Giám đốc với mức lương 25.999.999 đồng từ sếp Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group, và cuối cùng là vị trí quản lý đối tác nhân sự – kiêm trợ lý phát triển nhân tài Next với mức lương 30.201.011 đồng từ sếp Thông PNJ.

Để thuyết phục Hà Trang về công ty mình, sếp Thành Thắng Lợi Group hứa hẹn rằng 3-5 năm tới, “bạn sẽ là một CEO”. Còn sếp Lương cho rằng “lựa chọn VNPAY, đây là con đường ngắn nhất để Hà Trang đạt được những mục tiêu của mình”. Trong khi đó sếp Thông PNJ sử dụng chiến thuật tâm lý, dùng cơ hội học hỏi để thuyết phục Hà Trang khi cho biết ứng viên sẽ được làm việc tại “một trong những doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt Nam và mở ra nhiều cơ hội tiếp xúc với người giỏi hơn”.

Không chịu lép vế, sếp Tiến FPT Telecom lấy ví dụ thực tế rằng “một giám đốc nhân sự của FPT (tập đoàn có hơn 36.000 nhân sự) nhận chức năm 30 tuổi” cho thấy chính sách trọng người tài của công ty. Trong khi đó sếp Nga cũng cho biết “CEO của ELISE chỉ mới 32 tuổi” và hứa hẹn cơ hội thăng tiến cho Hà Trang trong tương lai.

Sau một lúc do dự, Hà Trang quyết định gia nhập PNJ của sếp Thông ở vị trí quản lý đối tác nhân sự – kiêm trợ lý phát triển nhân tài Next với mức lương 30.201.011 đồng.

Chương trình thực tế Cơ hội cho ai là sân chơi dành cho các bạn trẻ muốn gia nhập các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam dưới sự thử thách của các lãnh đạo công ty. Mỗi tập sẽ có 6 sếp ngồi ghế nóng, các cặp thí sinh tham gia vào các vòng thử thách nhằm tìm cho mình một vị trí thích hợp tại các công ty này.

Theo Sơn Nam – Ngoisao.net