“Cơ hội cho ai” mùa 2 trở lại: Các sếp Tiki, PNJ, Thắng Lợi, Bảo Ngọc… vẫn ráo riết tìm ứng viên tài năng giữa thời dịch Covid

2020-11-06 07:11

Loạt “Sếp” của các doanh nghiệp lớn tiếp tục tìm kiếm nhân tài tại “Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance” mùa 2. Trong đó, bên cạnh các doanh nghiệp đã tham gia ở mùa 1 thì mùa 2 có sự góp mặt của nhiều gương mặt “Sếp” mới với cách thức “dụng nhân” khách nhau nhằm tìm kiếm nhân tài cho doanh nghiệp của mình.

“Chiêu quân” giữa mùa dịch

Tiếp nối thành công của mùa 1, “Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance” – Chương trình truyền hình thực tế về việc làm mùa thứ 2 đã chính thức trở lại với khung giờ mới, 12h00 thứ Bảy hàng tuần trên kênh VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam, bắt đầu từ ngày 7/11/2020.

Chương trình truyền hình thực tế này là cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động, nơi kết nối nhu cầu tìm việc của người lao động và tìm người của nhà tuyển dụng với nhau. Trong mùa 1, chương trình đã mang lại việc làm với vị trí tốt, đãi ngộ xứng đáng cho 19 ứng viên tại 8 Tập đoàn, Doanh nghiệp với đa dạng độ tuổi, nghề nghiệp, khu vực địa lý khác nhau, trong đó mức lương cao nhất dành cho người lao động là 45 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh các gương mặt “Sếp” quen thuộc của mùa 1 như Tiki, FPT Telecom, Elise thì “Cơ hội cho ai” mùa 2 xuất hiện thêm các “Sếp” mới như Thắng Lợi Group, Bánh Bảo Ngọc, VNPAY, PNJ, VNG Cloud. Họ đến với chương trình truyền hình thực tế này để “chiêu mộ nhân tài” ngay giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn ra. Theo các doanh nghiệp, đây sẽ là cơ hội để họ tìm kiếm, kết nối với những người trẻ hoài bão, phù hợp với doanh nghiệp của mình.

Theo chia sẻ của Công ty Alo Media – nhà sản xuất, so với mùa 1, “Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance” mùa 2 có nhiều điểm mới

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, 9 tháng đầu năm 2020, cả nước có 31,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên mất việc, phải giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập.

Đánh giá về việc “Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance” mùa 2 sản xuất và phát sóng trở lại giữa mùa dịch, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cố vấn chương trình, cho biết, trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều Tập đoàn, Doanh nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng, doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, phải cắt giảm lao động, nhiều người lao động bị mất việc làm, bị giảm thu nhập, nên việc tổ chức sản xuất một chương trình truyền hình mang lại việc làm là rất cần thiết nhưng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Là người cố vấn của chương trình, tôi có nhận thấy những khó khăn đó, tôi cho rằng đó là một nỗ lực rất lớn, khi có khá nhiều chương trình phải tạm hoãn phát sóng trong năm 2020, thì Chương trình Cơ Hội Cho Ai không những vẫn tổ chức ghi hình, mà còn đầu tư lớn hơn cả mùa 1 về cả hình ảnh và nội dung. Tôi đánh giá cao tinh thần truyền cảm hứng và mang lại năng lượng tích cực cho khán giả, cho người lao động và cả doanh nghiệp”, ông Lộc cho hay.

Người lao động đi làm phải biết chia sẻ, nhất là trong mùa dịch

“Ghế nóng” mùa 2 có sự hiện diện của Sếp Dương Long Thành – Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group, là doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS. Chia sẻ về tiêu chí tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp mình trong trạng thái bình thường mới sau dịch Covid-19, ông Thành cho hay: “Vừa qua, Chính phủ phải điều chỉnh tổng thu ngân sách năm nay, thì đối với doanh nghiệp nào có thể giữ nguyên quỹ lương như năm ngoái đã là một sự phát triển của họ.

Cho nên, bản thân người lao động đi làm thì phải biết chia sẻ, đôi khi các bạn đừng nên đòi hỏi mức lương năm sau phải cao hơn năm trước. Doanh nghiệp không cắt giảm biên chế, không giảm lương, thì các bạn nên biết chia sẻ với doanh nghiệp. Thị trường lao động hiện tại có nhiều sự lựa chọn, nhà tuyển dụng chúng tôi cũng mong muốn tìm được những ứng viên phù hợp với mức chi phí phù hợp”.

Khi được hỏi, cách đào tạo nhân sự, quản trị con người của một doanh nghiệp BĐS có khác gì với doanh nghiệp bán lẻ hay công nghệ, ông Thành cho rằng, đặc thù đối với ngành BĐS là cập nhật yếu tố công nghệ vào trong công tác quản lý, xây dựng và marketing rất cao. Những ứng dụng tiên tiến nhất về công nghệ thường được áp dụng thử nghiệm trên mảng kinh doanh và tiếp thị của BĐS đầu tiên. Bởi vậy đòi hỏi ứng viên phải là người thông minh, nhanh nhẹn và có tinh thần chủ động cập nhập nhanh, tinh thần học hỏi của các bạn phải cao hơn các ngành khác.

Khác với những ngành bán lẻ có các tiếp thị truyền thống có thể dùng được đến 20 – 30 năm. Hiện tại, thế giới thay đổi rất nhanh và đặc biệt ngành BĐS thay đổi rất nhanh, từ 3-5 năm đôi khi những kiến thức, chương trình, format về bán hàng, công việc, một số thứ khác đã phải cập nhật. Khả năng tự học hỏi, khả năng cập nhật liên tục là những yếu tố cần thiết đối với những nhân sự của ngành BĐS. Bên cạnh đó là sự chịu đựng áp lực trong công việc. Vì BĐS là ngành tạo ra doanh số rất cao. Khi công việc cho lợi nhuận cao, thì đòi hỏi ứng viên có khả năng đóng góp phải tương xứng.

Chủ tịch Thắng Lợi Group cho biết: “Tiêu chí tuyển dụng cho ngành BĐS nếu gọi là khắt khe thì chưa đúng. Đặc thù BĐS là một người có thể kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn. So với những ngành khác thì tiêu chuẩn đầu vào của doanh nghiệp chúng tôi cao hơn. Ngoài tiêu chuẩn, cũng phải tính đến sự phù hợp và cái duyên của ngành này”.

Theo Chủ tịch Thắng lợi Group, bản thân người lao động đi làm phải biết chia sẻ với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bênh

Theo ông Thành, Thắng Lợi chọn phân khúc phát triển nhà ở vừa túi tiền, các dòng BĐS đại chúng, nên dù Covid-19 có ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến thu nhập của người dân thì nhu cầu nhà ở cũng không giảm nhiều. Vì vậy về công việc, về kế hoạch của doanh nghiệp cũng không phải điều chỉnh nhiều, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn như kế hoạch cũ.

“Trong kế hoạch năm nay, chúng tôi còn có những kế hoạch đột phá và mở rộng thêm, nên nhu cầu tuyển dụng của chúng tôi so với năm ngoái còn tăng lên nhiều hơn”, ông Thành cho hay.

Cũng theo vị “Sếp” này, cách đây khá lâu, các tổ chức nước ngoài hoặc các tập đoàn tại Việt Nam đều cho rằng tính kỷ luật của người Việt chưa được cao. Những năm gần đây, tình hình được cải thiện dần. Đó là điểm yếu, còn sở trường, điểm mạnh của người Việt là vẫn là sự chăm chỉ, cần cù. Bên cạnh đó là khả năng tự xoay sở, vượt khó khăn.

“Đó là tính cách được truyền từ hàng ngàn năm nay, từ đời ông bà ta rồi. Chúng ta không bao giờ nản lòng nản chí khi gặp khó khăn, cho dù là vì Covid-19 hay khó khăn hơn nữa, thì chúng ta vẫn có thể vượt qua”, Chủ tịch Thắng Lợi Group chia sẻ.

Theo Phương Nga – Cafebiz