“Nếu đã start-up thì em phải chấp nhận chọn 1 trong 2, không thể cân bằng được đâu. Start-up là phải bỏ 200%, thậm chí là 300% thời gian, chắc chắn phải đánh đổi, hy sinh, chứ không thể nào có chuyện vừa khởi nghiệp, vừa kiếm tiền, vừa chơi”, sếp Thuấn nhận định về nam ứng viên.
Tập 4 của chương trình Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance mùa 3 chứng kiến màn đối đầu giữa 2 ứng viên cùng tuổi: Dương Bảo Nhi và Trần Tuấn Sang.
Dương Bảo Nhi (25 tuổi), tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Kinh doanh và Quản trị, trường đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM. Cô có 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông với đa dạng lĩnh vực: giáo dục, giải trí, chăm sóc cá nhân.
Trong khi đó, Trần Tuấn Sang gây ấn tượng ban đầu với câu chuyện khởi nghiệp của mình. Anh có 5 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực: Marketing trong nước và quốc tế, dịch vụ và hàng tiêu dùng nhanh. Nam ứng viên đạt thành tích nhân viên hạng A năm 2020 của tập đoàn cà phê lớn nhất Việt Nam. Tuấn Sang có chứng chỉ ngành xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường của Microsoft (cấp bởi tổ chức The Forage). Anh còn là tác giả của nhiều bài viết kinh doanh và từng đạt giải Triết học tuổi trẻ năm 2018.
“Nghỉ học, start-up, thất bại là câu chuyện của em. Từ hồi đại học, em đã gap year để start-up cùng anh trai nhưng rất tiếc dự án đó không thành công. Em làm marketing đến nay đã được 5 năm, đã từng đưa 1 nhãn hàng máy ảnh quốc tế lớn vào Việt Nam và cũng từng đóng góp để đưa 1 nhãn hàng cà phê ra thế giới. Em đã giúp doanh số quốc tế của nhãn hàng cà phê tăng trưởng 120% trong năm 2020 và gần 200% trong giai đoạn bình thường mới năm nay. Do đó, em tự tin sẽ giúp doanh nghiệp các sếp vô thị trường quốc tế. Hoặc nếu các sếp cần người có kinh nghiệm chinh chiến với các tập đoàn quốc tế lớn tại Việt Nam, thì em chính là lựa chọn của các sếp“, Tuấn Sang tự tin giới thiệu.
Tại vòng thi đầu tiên, cả hai phải cùng đưa ra quan điểm, ý kiến của mình về nhận định: “Khi còn trẻ, hãy kiếm thật nhiều tiền”.
Tuấn Sang chia sẻ: “Làm mà không chơi, đánh rơi tuổi trẻ. Chơi mà không làm, bán rẻ tương lai. Nghệ thuật ở đây là sự cân bằng. Trong độ tuổi từ 20 đến 30, chúng ta phải làm việc thật nhiều để có một khoản tiết kiệm, sau này nhìn lại sẽ không thấy nuối tiếc tuổi trẻ”.
Phần trả lời khá ngập ngừng đã lấy đi nhiều thời gian của Tuấn Sang, khiến anh không kịp chia sẻ quan điểm tiếp theo.
Trong khi đó, Bảo Nhi đồng ý nhưng không hoàn toàn đối với quan điểm mà ban tổ chức đưa ra. “Nếu bạn đang có nhu cầu để kiếm tiền, thì việc bạn trẻ thôi thúc làm việc để kiếm tiền là rất đúng. Thứ hai, năng lực đi đôi với số tiền mà bạn kiếm ra. Năng lực tốt tương đương với vị trí tốt, nguồn thu nhập cũng như chính sách phúc lợi tốt”.
Sau phần phản biện có phần rối rắm, khó hiểu của cả 2 ứng viên, sếp Thông từ PNJ liền đặt câu hỏi: “2 bạn kiếm tiền để làm gì?”.
Tuấn Sang chần chừ một lúc rồi mới đưa ra quan điểm: “Thực tế là em chưa có tiền. Tuy nhiên, tiền nhiều em sẽ đi đầu tư, start-up hoặc đầu tư chứng khoán,… Em từng start-up thất bại nhưng em chưa bao giờ từ bỏ con đường đó. Em thất bại, quay trở về trường đại học và hoàn thành tấm bằng. Sau đó em sẽ trở lại và lợi hại hơn xưa”.
Còn Bảo Nhi cũng thành thật: “Em không có nhiều tiền, nhưng em có tiền. Em sử dụng tiền để trang trải cuộc sống cũng như tận hưởng cuộc sống này. Tuy nhiên để tận hưởng không thì sẽ không lâu dài. Em dành ra một phần để đầu tư, hoặc kiếm thêm công việc để gia tăng nguồn thu nhập”.
“Em quá cầu toàn, em muốn cái bao bì phải thật là bắt mắt mà bỏ quên việc tối ưu chi phí. Tiếp nữa, em đã thất bại trong việc lắng nghe khách hàng, em phải bán những gì khách hàng cần chứ không phải những gì mà em có”, Tuấn Sang tâm sự.
Đến đây, sếp Thuấn cũng đưa ra lời khuyên cho nam ứng viên 25 tuổi khi trước đó, chàng trai này lập luận rằng phải có “nghệ thuật cân bằng”.
“Nếu đã start-up thì em phải chấp nhận chọn 1 trong 2, không thể cân bằng được đâu. Start-up là phải bỏ 200%, thậm chí là 300% thời gian, chắc chắn phải đánh đổi, hy sinh, chứ không thể nào có chuyện vừa khởi nghiệp, vừa kiếm tiền, vừa chơi. Nên anh mới hỏi nguyên nhân thất bại của em, có lẽ nó chính là từ quan điểm của em, rằng start-up phải cân bằng việc chơi và làm”, ông chủ Bánh Bảo Ngọc nhận định.
Tiếp lời sếp Thuấn, sếp Hoàng Nam Tiến cũng đưa ra lời nhận xét về Tuấn Sang: “Khi start-up thất bại thì người ta sẽ trở thành những triết gia. Anh hơi ngạc nhiên khi em là nhân viên hạng A, năm 2020 và cả năm nay đều tốt mà em lại đi tìm việc khác”.
Quan sát, lắng nghe những gì ứng viên chia sẻ, sếp Nga đánh giá thẳng thắn: “Mới 25 tuổi chưa phải là thất bại. Em chưa hiểu rõ mình là ai cũng như chưa hiểu rõ em muốn gì”.
Dường như còn khá nhiều băn khoăn với nam ứng viên 25 tuổi từng bỏ học start-up này nên kết thúc vòng đối đầu, 6/7 thành viên trong ban giám khảo đều từ chối bật đèn xanh cho Tuấn Sang.
Chia tay chương trình, Tuấn Sang cho biết đây là lại một bài học thất bại nữa đến với mình. May mắn sau đó, anh nhận được một lời hứa hẹn gặp lại sau chương trình của sếp Thuấn.
Theo CafeBiz