“Vì phải nuôi hai con một mình, tôi không được phép thất bại hay gục ngã” – Chị Cẩm Hằng nói.
Ở tuổi ngoài 40, sau 16 năm gắn bó với ngành ngân hàng, chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng lại bắt đầu theo đuổi niềm đam mê với than làm từ gáo dừa – thứ vẫn bị vứt lăn lóc ở quê hương Bình Phước của chị và nhiều tỉnh miền Tây hoặc chỉ mang lại giá trị thấp.
Thành lập công ty TNHH Cao Nguyên Bình Phước và làm Giám đốc như hiện tại, chị đánh đổi vị trí giám đốc một chi nhánh của ngân hàng Đông Á tại TPHCM và sau này là cả ngôi nhà của mình.
Đằng sau câu chuyện sản xuất than dừa, tạo công ăn việc làm cho nhiều người ở quê hương là những quyết liệt của người phụ nữ dám từ bỏ và dấn thân.
Làm lại từ đầu ở tuổi 40
Chị bắt đầu làm than dừa như thế nào?
Khi đang làm ngân hàng, tôi phải xử lý một vụ việc hiểu lầm do bất đồng ngôn ngữ với một người nước ngoài mua than tại Việt Nam để bán tại nhiều thị trường.
Tìm hiểu thì biết, do thói quen ăn các món nướng tại nhà và hút shisha, riêng thị trường Dubai có nhu cầu khoảng 200 container than các loại mỗi tháng. Vốn cũng có “máu” kinh doanh, tôi nghĩ cần chớp lấy cơ hội.
Năm 2014, tôi bắt đầu làm than gáo dừa, khởi nghiệp từ việc thuê mặt bằng sản xuất với gần 30 công nhân và công suất đạt chừng 30 tấn/tháng. Đến nay, tôi đã lập xưởng sản xuất riêng trên diện tích đất 11.000 m2 tại tỉnh Bình Phước – quê hương của tôi.
Khi bước vào, tôi thấy đây là ngành kinh doanh mang nhiều lợi ích cho cộng đồng. Nó tận dụng được nguồn phế thải nông nghiệp là gáo dừa khô nên không cần khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nó lại sinh nhiệt lượng cao mà không tỏa khói do đã được carbon hóa gần như hoàn toàn. Vì thế, than dừa có thể dùng trong nhà, không độc hại với môi trường.
Hiện nay, nhu cầu về nguồn năng lượng sạch ngày một lớn và là xu hướng mà tất cả các quốc gia đều đang hướng đến. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá cao về khả năng sản xuất than dừa và đây là tiền đề rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất than từ gáo dừa – thứ tưởng chừng như bỏ đi lại trở thành nguyên liệu cực kì hữu ích, mang lại lợi nhuận kinh tế cao từ nguồn thu xuất khẩu.
Đang là giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại TPHCM, chị nghỉ việc để kinh doanh. Lý do là gì vậy?
Giai đoạn tháng 5/2018, mặt hàng than gáo dừa của chúng tôi sản xuất bắt đầu nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng và đơn hàng ngày càng nhiều. Việc quản lý doanh nghiệp sản xuất đòi hỏi sự sát sao và kịp thời để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Trong khi đó, công việc quản lý ngân hàng cũng cần tập trung và xử lý kịp thời để đảm bảo vừa hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, chỉ tiêu về an toàn trong hoạt động tín dụng, chỉ tiêu về xử lý nợ xấu… Tự thấy mình sẽ đuối sức nên tôi quyết định sẽ chỉ chọn “đứa con tinh thần”.
Việc nộp đơn xin nghỉ việc tại nơi mình cống hiến 16 năm tuổi trẻ cũng làm tôi thảng thốt và buồn hết cả tuần.
Chị thấy khởi nghiệp ở tuổi 40 ra sao?
Thực sự, khởi nghiệp lúc 40 tuổi với một người phụ nữ đã có gia đình là một quyết định không dễ dàng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có thể thất bại và cơ hội làm lại sẽ ngắn hơn so với các bạn trẻ hơn.
Tuy nhiên, không thể nói lứa tuổi nào là quá già hay quá trẻ cho việc khởi nghiệp. Bởi yếu tố “thiên thời địa lợi nhân hòa” sẽ tạo ra bối cảnh để bạn bắt đầu. Điều quan trọng, mình phải đánh giá thời cơ và chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng bao giờ khám phá được giới hạn của chính mình.
16 năm làm ngân hàng giúp chị như thế nào khi đi kinh doanh riêng?
Phải nói chính công việc ở ngân hàng đã cho tôi cơ duyên để khởi nghiệp. Và kinh nghiệm tích lũy từ những tháng ngày làm việc tại ngân hàng đã giúp tôi áp dụng cho việc quản lý “đứa con”của mình được hiệu quả.
Tôi làm trong ngành tài chính ngân hàng từ vị trí thanh toán viên thanh toán quốc tế đến kiểm soát viên, phó phòng khách hàng và sau cùng là giám đốc chi nhánh.
Mỗi vị trí, tôi đều tác nghiệp và tích lũy kiến thức: Thanh toán viên –Kiểm soát viên thanh toán quốc tế giúp tôi trau dồi tiếng Anh, có cơ hội làm việc với khách hàng nước ngoài, hiểu biết về các nghiệp vụ thanh toán quốc tế với những lợi ích và rủi ro của mỗi nghiệp vụ.
Do vậy, khi kinh doanh riêng, kinh nghiệm này giúp tôi đàm phán với khách hàng nhằm bảo đảm quyền lợi của đôi bên.
Vị trí Phó phòng khách hàng doanh nghiệp – Giám đốc chi nhánh giúp tôi có kiến thức về thẩm định tài chính, đánh giá rủi ro, dự báo thị trường, thẩm định tài sản đảm bảo và các yếu tố định tính khác trước khi phê duyệt khoản tín dụng cho khách hàng.
Đặc biệt, cơ hội làm việc với các khách hàng doanh nghiệp từ sản xuất, thương mại, dịch vụ… đi thăm nhà máy, xí nghiệp, xem họ sắp xếp tổ chức sản xuất ra sao… Sau này, một số khách hàng doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp cho nhà máy của tôi.
“Vì phải nuôi hai con một mình, tôi không được phép thất bại hay gục ngã“
Cuộc sống của chị từ vị trí của một quản lý ngân hàng thành một người khởi nghiệp đã thay đổi thế nào?
Thay đổi đầu tiên là cách ăn mặc. Trước đây váy áo lịch lãm giờ là Jeans, sơ mi, Jean/áo thun. Trước đây đi làm đúng giờ, hết giờ có thể nán lại chút ít để giải quyết công việc nhưng chưa bao giờ quá trễ. Còn giờ đây, không có chuyện hết giờ làm.
Trước đây có cuối tuần giờ là lúc nào “tuần cuối” cho dealine của đơn hàng. Trước đây tới tháng nghe phone tèng tèng báo lương, giờ đây nghe phone tèng tèng là báo”nợ”; trước đây chờ người phát lương cho mình giờ mình phải lo lương cho trăm con người.
Bạn thấy u ám quá phải không? Tôi thì khác, tôi lại thấy rất hào hứng, tự hào và hạnh phúc. Bởi những điều khác biệt trong cuộc sống đó của tôi tạo ra sản phẩm chất lượng mang tên mình, tạo ra những nụ cười trên môi người lao động, tạo ra niềm tự hào cho hàng Việt Nam trên kệ hàng ở nước ngoài, tao ra nguồn thu ngoại tệ cho công ty, cho đất nước từ phế phẩm nông nghiệp.
Chị từng phải bán nhà để kinh doanh. Tình cảnh nào đã khiến chị đi đến quyết định đó?
Năm 2017 tôi có hợp tác phát triển dự án khác với một đối tác nước ngoài, tôi phụ trách vận hành và phát triển kinh doanh, đối tác bỏ vốn. Mối lương duyên đó khiến tôi rất hào hứng và chủ quan bỏ qua các quy tắc cần thiết khi ký thỏa thuận hợp tác.
Đến giữa năm 2019, hợp tác gãy đổ đối tác rút vốn, đóng cửa nhà máy. Tôi không còn lựa chọn nào khác là phải ra đi tay trắng sau hai năm tâm huyết gầy dựng mà không nhận thù lao. Cú sốc đó khiến tôi không kịp trở tay. Tôi cần tiền – tôi cần phải tiếp tục ước mơ làm than của mình. Đó là lý do tôi bán nhà để lấy vốn tiếp tục khởi nghiệp.
Gia đình ngoài việc ủng hộ quyết định của tôi còn hỗ trợ về vốn. Ba mẹ, anh chị em mỗi người một ít. May mắn là tôi có nhiều bạn bè, họ tin tưởng và yêu quý tôi nên cũng chung tay động viên, giúp tôi nhiều về tài chính để duy trì làm than.
Chị nghĩ gì về con khi làm vậy? Nếu bán nhà đi thì tương lai con chị sẽ ra sao?
Tôi nhìn thấy tiềm năng của ngành và tin là mình sẽ làm đươc. Bên cạnh đó, tôi có anh chị em, cháu trong gia đinh giúp sức vận hành và quản lý, nguồn khách hàng tôi phát triển cũng rất bền vững. Tôi lập nhà máy, cũng là cơ ngơi và tương lai của con sau này. Chính vì nghĩ đến tương lai của con nên tôi mới quyết định sống còn như vậy.
Vì phải nuôi hai con một mình, tôi không được phép thất bại hay gục ngã!
Chị có thấy mình may mắn?
Tôi thấy mình may mắn. Bản thân tôi thấy yếu tố may mắn đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời. Ví dụ như nếu không làm ngân hàng, tôi không may mắn có tương tác và cơ duyên để gặp được khách hàng trong một sự cố, rồi bén duyên với ngành than gáo dừa cũng là một sự tình cờ.
Với tôi, may mắn là yếu tố cộng hưởng giúp bạn hiện thực hóa dự định của minh một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ có ngồi chờ thì chắc chắn có may mắn bạn cũng không làm được gì một cách chắc chắn và bền vững. May mắn là yếu tố thời vụ, không thể lâu dài và liên tục. Nếu không kiên trì, không siêng năng, không chịu khó và quyết tâm thì bạn không thể biến điều may mắn mình nhận được thành cơ hội phát triển cho chính mình.
Những viên than lấp lánh
So với các sản phẩm than khác, than gáo dừa có gì khiến chị đeo đuổi?
Bên cạnh các tính năng “sạch” và không độc hại đến môi trường như tôi vừa nói thì thú thật với bạn, khi cầm thỏi than gáo dừa, bạn sẽ có cảm giác như cầm viên kẹo vì không dính muội than, lại cứng và không thể vỡ nếu va đập thông thường.
Do vậy, khi sản xuất thương mại, cần có cách phối trộn làm sao cho viên than bóng đẹp, khô, gõ vào nhau có tiếng kêu trong, khi đốt lửa lên màu đỏ rực – trong – màu tro xám nhạt tự nhiên, không tự vỡ…. Càng làm, càng nghiên cứu để tạo ra sản phẩm ưng ý càng khiến tôi say mê.
Công ty của chị đang kinh doanh ra sao?
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước đi vào hoạt động từ tháng 1/2020 và bắt đầu có doanh thu từ tháng 4/2020. Mỗi tháng, chúng tôi xuất khẩu chừng 200 tấn than gáo dừa thành phẩm. Sản phẩm của chúng tôi là than gáo dừa dạng viên, dạng que và than gáo dừa BBQ sang thị trường Palestine, Jordan,Israel, Arab Saudi, Iran, Iraq Đức , Úc… với thương hiệu Tcha Tchello và Highland Cool.
Trong giai đoạn Covid-19, công ty bị ảnh hưởng do sức mua có giảm sút, tiền thanh toán chậm do các nước Trung Đông phong tỏa… Đến nay, tình hình khả quan hơn và chúng tôi bắt đầu mở ca đêm để kịp thời cho đơn hàng. Chúng tôi đang đầu tư tiếp thêm một dây chuyền sản xuất để tăng công suất nhà máy lên gấp đôi, đáp ứng 12-15 container /tháng.
Hiện tại, sản lượng xuất khẩu chiếm 99% nhưng trong quý 2/2021, chúng tôi sẽ đẩy mạnh kênh phân phối nội địa.
Chị định hướng phát triển Cao Nguyên Bình Phước thế nào trong thời gian tới?
Chúng tôi vẫn duy trì thị trường xuất khẩu, sẽ mở rộng đến một số quốc gia khác của Châu Âu , Canada và Mỹ. Từ quý 4/2020, công ty chúng tôi sẽ xuất khẩu 12 container 40 feet/tháng tương đương 300 tấn.
Đến quý 2/2021, chúng tôi sẽ tham gia mạnh mẽ hơn thị trường nội địa với sản phẩm than gáo dừa BBQ, sản lượng mục tiêu tiêu thụ nội địa là 30 tấn/tháng
Đến quý 1/2021, chúng tôi sẽ hoàn tất 2 dây chuyền sản xuất với công suất 15 tấn/ca và tạo ra công ăn việc làm cho 200 lao động.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Theo Báo Tổ Quốc