Chiều ngày 21/3/2023, chương trình “Whose Chance Talk – GenZ hỏi, các Sếp trả lời” diễn ra tại Trường ĐH Hồng Bàng với sự tham dự của hơn 500 sinh viên, các Sếp đến từ các tập đoàn lớn và Content Creator Tun Phạm, MC Ngọc Nhi.
Nằm trong chuỗi sự kiện của show truyền hình thực tế “Whose Chance – Cơ Hội Cho Ai”, chương trình nhằm cung cấp những kiến thức về việc làm để các bạn sinh viên sắp ra trường tự tin bước vào kỳ thực tập, ra trường sắp tới. Đặc biệt, các Sếp sẽ giải đáp những “câu hỏi lớn” của thế hệ Gen Z, giúp họ chuẩn bị hành trang định hướng công việc cũng như trau dồi thêm những kỹ năng chinh phục nhà tuyển dụng.
Tại sự kiện lần này, các bạn sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có cơ hội gặp gỡ và giao lưu cùng các Sếp đến từ chương trình “Whose Chance – Cơ Hội Cho Ai”: Sếp Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viễn thông FPT, Sếp Dương Long Thành – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thắng Lợi Group, Sếp Nguyễn Trung Dũng – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc DH Foods.
Chia sẻ về tiêu chí ưu tiên khi tuyển dụng, Sếp Tiến hài hước so sánh giữa tiêu chí truyền thống là “ngoan cố” (nói gọn của ngoan ngoãn và cố gắng) và ngày nay là khả năng tư duy độc lập và năng lực phản biện. Nếu sinh viên không bảo vệ được ý kiến riêng thì sẽ trở thành người bình thường và thậm chí tầm thường. Vì vậy, nhiệm vụ của các trường ĐH là giúp các bạn tự học, tự nghiên cứu và tự phát triển bản thân. Ngoài ra, tiếng Anh không còn là ngoại ngữ mà trở thành một thứ ngôn ngữ để làm việc, sống và giải trí. Cuối cùng, các trường nên tăng cường thể lực cho sinh viên bên cạnh trí lực vì mỗi ngày sinh viên sử dụng hơn 6 giờ để lướt Facebook, Tiktok, Youtube….
Sếp Long Thành đánh giá Gen Z hiện nay hơi lan man, thiếu tập trung và chuyên sâu. Do đó, họ cần tập trung phát triển điểm mạnh để khắc phục điểm yếu. Cũng như các bạn trẻ nên kiên trì, kiên định theo đuổi mục tiêu là một trong những yếu tố dẫn lối thành công, sếp Tiến nói thêm.
Riêng sếp Dũng nhấn mạnh: “Kiến thức ở trường chỉ là bàn đạp, khi ra trường cần học cách tiếp thu cái mới”. Khi tuyển dụng, doanh nghiệp thường ưu tiên chọn ứng viên điểm cao; do đó, các bạn cần cố gắng học thật giỏi, rèn luyện thể chất thật tốt để có đủ trí lực và thể lực phục vụ cho đam mê công việc của mình sau này.
Tại chương trình, sếp Tiến chia sẻ về 5 yếu tố khi đánh giá nhân sự, đó là tố chất (do thiên bẩm), phẩm chất (nhờ rèn luyện), kiến thức (qua quá trình học tập), năng lực (do thử thách), kinh nghiệm (qua thời gian). Vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chọn những ứng viên phù hợp chứ không phải là người giỏi nhất.
Giải đáp thắc mắc của sinh viên về vấn đề “nóng hổi” hiện nay: Liệu Chat GPT ra đời có làm cho sinh viên thất nghiệp không? Sếp Tiến cho rằng: “Tùy theo năng lực của mỗi người. Nếu các bạn là người xuất sắc, không có AI hay ChatGPT có thể thay thế bạn, ngược lại, bạn sẽ bị thay thế nếu bạn là người bình thường hay tầm thường”. Và để trở thành nhân viên xuất sắc, các bạn phải chứng minh mình là duy nhất, mỗi người phải thật sự phải khác biệt nhờ tư duy độc lập. ChatGPT chỉ là công cụ để làm giàu thêm ý tưởng, kiến thức giúp chúng ta làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, Sếp Thành gửi lời khuyên chân thành.