Sau khi chương trình Cơ Hội Cho Ai tuần vừa qua được phát sóng, rất nhiều người đã tò mò về vị sếp sẵn sàng chi số cổ phần tương đương 2,5 tỷ đồng để mời cô gái trẻ sinh năm 1997 đầu quân cho công ty.
Mới đây, trong tập 6 của chương trình Cơ Hội Cho Ai? (Whose Chance) mùa 3, sếp Thuấn Bảo Ngọc đã có những quyết định tuyển dụng “gây sốc” cho nhiều người.
Cụ thể, khi ấn tượng với ứng viên 9X, sếp Thuấn offer đãi ngộ “khủng”: “Anh offer cho em vị trí Trợ lý Tổng giám đốc, mức lương bằng với thị trường. Tuy nhiên, anh thấy em có hứng thú với mảng phân phối nên anh muốn thử thách em. Công ty anh mới thành lập, vốn ban đầu 50 tỷ. Anh sẽ tặng em 5% trên vốn, tức 2,5 tỷ hạn chế trong 3 năm, sau 3 năm mới được chuyển nhượng. Em được quyền tham gia với giá 1:1 thêm 10% nữa. Vị trí đó không có lương, đó mới thể hiện mình có quyết tâm khởi nghiệp. Lương là bên vị trí trợ lý, còn vận hành thì không có lương”.
Sau chương trình, rất nhiều người tò mò về vị “boss” có tầm nhìn xa trông rộng và chịu chi này.
Doanh nhân Lê Đức Thuấn sinh năm 1976. Thừa hưởng “máu” kinh doanh từ người bố, nên từ nhỏ Lê Đức Thuấn đã rất thích kinh doanh và mơ ước trở thành một doanh nhân thành đạt.
Bố ông có một cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm may mặc, vật liệu xây dựng và đồ gỗ nội thất nổi tiếng ở Tân Hồng, Ba Vì, Hà Tây cũ. Ngay từ lúc học cấp hai, ông đã biết kiếm tiền từ việc bán lại các bộ đồ do bố mình thiết kế và may.
Lên cấp ba, ông Thuấn có thêm nghề mua bán đồ gỗ nội thất, xe đạp cũ và khi bước chân vào đại học, ông đã trở thành một doanh nhân “bán chuyên nghiệp” kinh doanh đủ thứ.
Để hiện thực hóa ước mơ, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh và Thạc sĩ điều hành cao cấp, ông Lê Đức Thuấn tiếp tục sang Nhật Bản… để học tập các khóa ngắn hạn về kỹ năng lãnh đạo, chiến lược đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A)…
Khi được lĩnh hội các kiến thức nâng cao, chuyên sâu và tham quan các mô hình quản trị doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới như Toyota, Panasonic… ông mới hiểu vì sao ngày xưa bố mình lại kinh doanh theo kiểu “chẳng giống ai”: không cần nhà xưởng, không cần công nhân… mà chỉ lên ý tưởng, thiết kế rồi đi mua nguyên liệu và thuê các cơ sở sản xuất trong làng gia công. Mô hình kinh doanh này không chỉ giúp tiết kiệm được thời gian, mà còn giảm được rất nhiều chi phí nhờ xã hội hóa công việc kinh doanh.
Có kiến thức kinh doanh nhưng còn thiếu kinh nghiệm và chưa biết vận dụng vào thực tế, trong quá trình khởi nghiệp với hàng tá mặt hàng (từ photocopy đến in ấn phong bì, mác quần áo, đề can, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, mũ bảo hiểm…), Sếp Thuấn đã thất bại không ít lần.
Ông chia sẻ: “Tôi khởi nghiệp thời còn sinh viên, tôi có khát vọng và mục tiêu rất lớn. Tôi biết điểm yếu của mình và đã mời những người tài về ngay từ thời điểm khởi nghiệp. Kết quả là do tôi chưa đủ kinh nghiệm để sử dụng những người như vậy, nên tôi đã thất bại lên thất bại xuống rất nhiều lần. Nhưng tôi vẫn rất quyết tâm, tôi đã phải trả giá bằng máu và nước mắt để có được ngày hôm nay”.
Trong rất nhiều lần rủi ro đó, ông nhớ nhất dự án sản xuất vở đóng gáy xoắn do chính ông đưa ra ý tưởng và trực tiếp sản xuất. Dự án có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết kiệm diện tích giấy, viết chữ đẹp hơn, giá thành thấp…, đặc biệt là chạm tới trái tim của người tiêu dùng khi ông đưa hình ảnh các trường đại học nổi tiếng lên bìa vở. Nhưng cuối cùng ông lại thất bại ê chề khi không tính đến bài toán về vốn.
Ông từng trải lòng: “Đừng sai lầm như tôi là nghĩ lớn và làm lớn ngay từ đầu. Tôi thất bại nhiều lần và làm đi làm lại không dưới 10 lần. Tôi cho rằng hiếm có người kiên trì như tôi. Tôi như là ngã dập mặt xuống rồi đứng lên đi tiếp”.
Kinh doanh rất nhiều lĩnh vực như bất động sản công nghiệp, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, mũ bảo hiểm, trang thiết bị y tế… nhưng Sếp Thuấn vẫn thầm ấp ủ, nuôi nấng khát khao từ hồi còn sinh viên: Đầu tư sản xuất bánh kẹo, nông sản thực phẩm vì ông phát hiện ra rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn về ngành nông nghiệp, đặc biệt là chế biến nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bằng nhãn quan của người làm kinh tế, ông Thuấn đã chứng minh, trong chiến lược kinh doanh mình đã có hướng đi với ngành công nghiệp thực phẩm vốn rất tiềm năng. Duyên đến với Bảo Ngọc vì ông muốn làm sống lại một thương hiệu từng “đẹp không tì vết”, chiếm trọn tình cảm, làm nức lòng bao thực khách Hà thành trước kia.
Dựa vào kinh nghiệm học tập ở nhiều quốc gia, trong đa ngành, đặc biệt từ những người bạn Nhật Bản vẫn giữ được rất nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà không phai nhạt trong cuộc sống hiện đại, cùng với quyết tâm và niềm tin, ông Lê Đức Thuấn đã làm sống lại thương hiệu Bảo Ngọc bằng cách thay đổi mẫu mã, hình thức và cả hệ thống quản trị hiện đại. Nhờ vậy mà ông nhanh chóng thu được thành công từ những ngày đầu.
Thay vì kiểm soát chất lượng thủ công, ông thay bằng cả hệ thống tự động hóa theo dây chuyền và công nghệ hiện đại vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa không lệch được hương vị truyền thống.
Xuất hiện trong chương trình “Cơ hội cho ai?”, sếp Thuấn được cộng đồng mạng đặt biệt danh là sếp “chịu chi”. Những ứng viên tài năng khiến sếp Bảo Ngọc ưng ý đều được “mời lương” với mức thu nhập cao hàng Top của cả mùa.
Điển hình, có thể kể đến ứng viên Nguyễn Ngọc Dũng, 52 tuổi, 6x lên truyền hình tìm việc gây chú ý bởi câu chuyện nhường việc thời Covid-19. Ông Dũng thành công được “chốt lương” 68 triệu/ tháng.
Theo CafeF