Ở tuổi 52, ứng viên Nguyễn Ngọc Dũng, người có hơn 23 năm trong lĩnh vực bán hàng, nhận được mức lương 68 triệu đồng/tháng cho vị trí Phụ trách Phát triển nguồn Nhân lực kiêm Giám đốc Kinh doanh bánh Bảo Ngọc.
Xuất hiện trong tập 5 chương trình thực tế tìm việc làm Cơ hội cho ai vừa phát sóng, là cuộc đối đầu của cặp ứng viên khá lớn tuổi Nguyễn Ngọc Dũng (52 tuổi) và Nguyễn Minh Tuấn (49 tuổi). Ứng viên Nguyễn Ngọc Dũng, cử nhân Ngành Quản trị Kinh doanh Thương mại, Đại học Hà Nội, có 23 năm kinh nghiệm làm việc ở ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), 18 năm đảm trách vị trí Quản lý Kinh doanh khu vực và Giám đốc Kinh doanh toàn quốc. Đối thủ của ông Dũng là Nguyễn Minh Tuấn, người có gần 20 năm đảm nhận vị trí quản lý trong lĩnh vực bán hàng, vận hành, từng tham gia hoàn thành lắp đặt và chạy thử nhà máy nhựa hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam.
Trước chủ đề tranh luận “Giới trẻ nên khởi nghiệp hay làm thuê?”, ứng viên Minh Tuấn ủng hộ giới trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên với kinh nghiệm gần 20 năm làm quản lý, ông cho rằng chỉ khi đi làm thuê từ 3-5 năm, hiểu rõ mô hình kinh doanh thì mới nên khởi nghiệp. “Những gì bạn trẻ học được trên ghế nhà trường chỉ là nền tảng, chỉ khi nào các bạn đủ chín chắn, tích lũy đủ kinh nghiệm, có những đồng đội chung chí hướng, thì khi đó khởi nghiệp cũng không muộn”, ứng viên Tuân nói.
Trái với ý kiến của đối thủ, ứng viên Ngọc Dũng khẳng định những bạn trẻ đủ tự tin, có khát vọng thì cứ khởi nghiệp. Bản thân ông rất muốn khởi nghiệp, nhưng rất tiếc đã qua độ tuổi lý tưởng. “Các bạn trẻ dù khởi nghiệp thất bại thì cũng có được những bài học kinh nghiệm, những trải nghiệm để đi làm thuê sau đó. Thất bại đầu tiên là bài học đầu đời, nhưng sẽ là định hướng để đi tiếp trong tương lai. Và những người kiên trì đi tiếp sẽ có cơ hội thành công”, ông Dũng chia sẻ.
Không đồng ý với quan điểm của đàn anh, Minh Tuấn chất vấn: “Những bạn mới ra trường đã trang bị đủ nhận thức cho thất bại đó chưa, nhất là về quản trị? Theo anh, chỉ có khát vọng và đam mê liệu đã đủ để khởi nghiệp chưa?”
Ông Dũng giữ vững lập trường cho biết không nên áp đặt suy nghĩ khởi nghiệp phải thật to tát, đôi khi chỉ bắt đầu từ việc mở một quán trà sữa và làm sao để vận hành nó một cách suôn sẻ. “Lúc các bạn đối mặt với bài toán tiếp tục hay thất bại, các bạn cần những chuyên gia, đồng đội để cùng đưa ra mục tiêu rõ ràng hơn cho khởi nghiệp”, ứng viên Ngọc Dũng cho hay.
Dù khuyến khích giới trẻ mạnh dạn khởi nghiệp nhưng bản thân ứng viên Ngọc Dũng lại là một người làm thuê chuyên nghiệp. Sếp Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ chất vấn: “Điều gì giới hạn anh ở độ tuổi này không quyết định khởi nghiệp?”.
Ứng viên Ngọc Dũng chân thành nói: “Hoàn cảnh của tôi là mồ côi. Tôi tích lũy kinh nghiệm và tài chính, nhưng tài chính đó không trao cho con mình, mà để định hướng con mình khởi nghiệp”.
Kết thúc tranh luận, ứng viên Ngọc Dũng giành chiến thắng bước tiếp vào vòng phỏng vấn trực tiếp nhằm thẩm định về kinh nghiệm làm việc, năng lực chuyên môn, kiến thức xã hội lẫn trải nghiệm thực tế từ 6 vị lãnh đạo doanh nghiệp: Sếp Nguyễn Thanh Quyền (Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group), sếp Lê Đức Thuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc – Bánh Bảo Ngọc), sếp Nguyễn Tuấn Lương (Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam – VNPAY), sếp Lưu Nga (Nhà sáng lập – Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang ELISE), sếp Lê Trí Thông (Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ) và sếp Ngô Hoàng Gia Khánh (Phó Tổng Giám đốc phát triển Doanh nghiệp TIKI).
Sếp Thuấn đặt câu hỏi thử thách ứng viên 6X: “Anh đã phát triển kênh bán hàng GT (General Trade) ở công ty gần nhất trong bao lâu và hiệu quả là gì? Tại vị trí Giám đốc Phát triển nguồn Nhân lực, anh đã phát triển được bao nhiêu vị trí và cụ thể những vị trí đó là gì?”.
Với thâm niên làm việc hơn 20 năm, ứng viên Ngọc Dũng tự tin ứng đáp: “Công ty gần nhất tôi làm ngành hàng Cà phê, vùng Tây Nguyên và miền Trung. Lúc tôi mới vào, tỷ trọng đóng góp của vùng này với công ty không quá 25%. Từ năm 2014 đến 2015, tôi đã thay đổi tỷ trọng đóng góp trên 30% một năm. Về phát triển nguồn nhân lực, với công ty gần nhất tôi làm có hai Giám đốc vùng và 7 ASM (Giám đốc bán hàng cấp khu vực). Trong đó, hai giám đốc vùng được đề bạt từ dưới lên và 4 ASM được đề bạt từ vị trí giám sát lên”.
Để có thêm thông tin cho quyết định tuyển dụng, sếp Thuấn tiếp tục đặt những câu hỏi chuyên sâu: “Tỷ lệ anh đề bạt từ dưới lên so với tỷ lệ anh tuyển từ ngoài vào cái nào cao hơn?”.
“Tỷ lệ tôi phát triển từ cấp giám sát gần như chiếm 70% là ở tại đội ngũ, còn tỷ lệ quản lý gần như 50-50. Nếu tuyển một người bên ngoài thì bên trong cũng có một”, nam ứng viên U60 đối đáp.
Tỏ ra yêu mến ứng viên, tuy nhiên sếp Thông có một số lo ngại vì kinh nghiệm chuyên môn của ông Ngọc Dũng và lĩnh vực kinh doanh của PNJ có những khác biệt nhất định. “Nếu chuyển sang ngành hàng Retail (Bán lẻ), anh có hình dung được những khó khăn đang chờ đợi anh như thế nào không? Anh có chấp nhận chuyển qua một nghề mới, dù đã có hơn 20 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực bàn hàng? Và anh có chấp nhận ra khỏi khu vực của anh, miền Trung và Tây Nguyên?”, sếp Thông thăm dò.
Ứng viên Ngọc Dũng không ngại ngần cho rằng bản thân có đủ tự tin và năng lực để thách thức những giới hạn và cái mới. Đồng thời ông cũng cho rằng vùng địa lý không phải là giới hạn của bản thân. “Một tháng tôi ở nhà tối đa 10 ngày, còn lại phải đi thị trường. Xa nhà đã là câu chuyện của 23 năm nay”, ông Dũng cho biết.
Cuối cùng ứng viên Ngọc Dũng đã nhận được lời mời làm việc từ ba vị sếp doanh nghiệp. Trong đó sếp Quyền Thắng Lợi Group đề nghị mức lương 49.999.999 đồng cho vị trí Giám đốc công ty thành viên; sếp Thông PNJ với mức lương 50.000.000 đồng cho vị trí Quản lý Phát triển Kinh doanh bán lẻ; sếp Thuấn Bảo Ngọc với mức lương 68.000.000 đồng cho vị trí Phụ trách Phát triển nguồn Nhân lực khối Kinh doanh kiêm Giám đốc Kinh doanh Khu vực miền Trung.
Chia sẻ về mức chào lương cao ngất ngưởng, sếp Thuấn cho biết: “Con số 68 này có ý nghĩa với tôi và tôi hy vọng nó cũng có ý nghĩa đối với anh. Số điện thoại, nhà ở TPHCM rồi rất nhiều thứ của tôi đều gắn với số 68. Anh Dũng cũng sinh năm 1968”.
Xúc động trước chia sẻ của sếp Thuấn, ứng viên 6X tiết lộ: “Tôi thấy sự trùng hợp này cũng là một cái duyên. Tôi sinh năm 1968 và lương của tôi ở những công ty cũ cũng là con số này. Tôi chia sẻ thật với anh Thuấn, về với anh, thì tối đa cũng chỉ gắn bó 7 năm. Đó là lộ trình tôi chọn. Mình không thể ngồi một chỗ với một vị trí lâu hơn được”.
Trước đó, ứng viên Ngọc Dũng cũng chia sẻ lý do rời công ty cũ: “Trong 23 năm làm việc, tôi làm ở ba công ty thì mỗi nơi đều làm trên 7 năm. Với công việc, tôi là người phát triển đội ngũ. Việc tôi rời đi chính là cơ hội cho các anh em đội ngũ ở dưới bước lên. Chẳng hạn như ở công ty gần nhất, tôi đã rời vùng kinh doanh quen thuộc để nhận một bộ phận mới hơn. Tuy nhiên, do tình hình Covid-19, bộ phận đó không hoạt động trong thời điểm này. Công ty có trả tôi ngược lại về bộ phận cũ, đảm bảo thu nhập, quyền lợi như cũ nhưng tôi không đồng ý. Vì mình đi là để lại cơ hội cho những người trẻ”.
Với mức lương này, tổng thu nhập bình quân một năm của nam ứng viên 6X (chưa tính hoa hồng kinh doanh) lên hơn 800 triệu đồng. Đây cũng là mức lương cao nhất từ kể từ khi chương trình thực tế tìm việc làm này phát sóng.
Theo Sơn Nam – Ngoisao.net