Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác, các đồng nghiệp xung quanh cùng nhau “rút lui” trên chiến tuyến văn phòng của bạn để nộp đơn sang “chiến trường” khác?
Cảm giác là người bị bỏ lại chưa bao giờ là điều dễ chịu. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Ra sức bới móc những khuyết điểm của công ty để đi đến kết luận rằng, mình cũng nên chuyển việc thôi. Hay tỉnh táo để nhận ra, mọi môi trường đều công sở đều sẽ có khuyết điểm của riêng nó, bạn hoàn toàn thấu hiểu và chấp nhận công ty hiện tại của mình; bạn vẫn có cơ hội để thể hiện bản thân và vẫn đang tiến bước trên con đường sự nghiệp của mình? Đây là lúc bạn cần suy nghĩ sáng suốt và thấu đáo nhất để đưa ra quyết định cho bản thân mình.
Vì sao dân công sở hay “nghỉ việc chùm”?
Sau một thời gian dài làm việc cùng nhau, chốn văn phòng đã bắt đầu xuất hiện các nhóm chơi thân, cùng nhau làm việc, ăn uống, mua sắm, thậm chí là cùng nhau “tám” chuyện, nói xấu người khác… Nếu có một người trong nhóm nghỉ việc, mọi chuyện dường như vẫn ổn. Thế nhưng khi có 2, 3 người nghỉ việc cùng lúc thì giống như hiệu ứng domino, rất nhiều người khác cũng dần dần nộp đơn xin nghỉ.
Điều này không quá khó hiểu bởi chúng ta thường có tâm lý đám đông, thấy ai làm gì thường làm theo tương tự. Đặc biệt, với dân văn phòng, việc nhiều người cùng nghỉ việc rất dễ khiến họ xiêu lòng. Bởi vì họ sợ cô đơn, sợ thiếu những “cạ cứng” để làm việc và tám chuyện ở văn phòng. Họ ngại phải làm quen lại với người mới và cả việc nghi ngờ người mới sẽ không hợp với mình, không thể làm việc cùng nhau. Vậy nên, nếu trong nhóm chơi thân bắt đầu có nhiều hơn một người nghỉ việc, cả nhóm cũng sẽ nghỉ theo.
Không thể phủ nhận rằng, văn phòng ngoài là nơi để làm việc, chúng ta cũng rất cần những cộng sự ăn ý không chỉ trong công việc mà còn là trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta có thêm những người bạn mới, những mối quan hệ thú vị. Thế nhưng, nghỉ việc chùm chỉ vì sợ cảm giác cô đơn của người ở lại liệu có phải một quyết định hợp lý?
Một phút bốc đồng và những hệ lụy đằng sau
Thông thường, người đầu tiên, người thứ hai trong một nhóm nghỉ việc vì có những lí do chính đáng như lương thưởng không đúng kỳ vọng, không được coi trọng hoặc họ có định hướng mới trong sự nghiệp. Còn với những người nghỉ việc sau đó, đa phần vì tâm lý “hùa” theo, nghỉ chỉ vì đồng nghiệp chơi thân nghỉ mà không có lí do nào khác. Một phút bốc đồng này đôi khi sẽ phá hỏng cả sự nghiệp sau này của bạn.
Như đã đề cập ở trên, cảm giác bị bỏ lại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bạn sẽ dễ dàng bị ám ảnh với suy nghĩ, mọi người chuyển việc đồng nghĩa với việc sự nghiệp của họ đã thêm một bước tiến mới, có sự thay đổi mới mẻ hơn, mạo hiểm hơn; trong khi bạn vẫn đang dậm chân tại chỗ với vị trí hiện tại, công ty hiện tại. Bạn sẽ dễ dàng huyễn hoặc bản thân, rằng biết đâu bạn cũng sẽ có những thăng tiến mạnh mẽ hơn nếu bạn chuyển công việc, chuyển chỗ làm mà đôi lúc, sự huyễn hoặc này là một nước cờ sai lầm, được đi trong nỗi sợ hãi và sự thiếu can đảm của bạn trong bàn cờ sự nghiệp.
Bạn nghỉ việc vì đồng nghiệp thân thiết nghỉ và sợ ở lại một mình, thế nhưng lúc này, bạn lại phải đối diện một tình thế khác: bạn sẽ phải bắt đầu lại ở một môi trường mới, những người mới. Điều này còn khó khăn hơn cả việc bạn ở lại công ty cũ vì ở đó, bạn cũng đã quen với môi trường, văn hóa doanh nghiệp… Đó là chưa kể nếu bạn nghỉ việc khi kinh nghiệm, trình độ chưa vững vàng, bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian để xin việc mới và điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp sau này.
Bất kỳ điều gì cũng đều sẽ có hai mặt. Đồng nghiệp thân thiết nghỉ việc, về mặt tâm lý rất đáng buồn nhưng nếu nhìn nhận ở khía cạnh công việc, điều này sẽ mở ra cho bạn những cơ hội mới. Nếu cả team làm việc cùng nhau một thời gian dài và mọi thứ đã vào guồng, bạn dường như bắt đầu đưa mình vào vùng an toàn, tức ai làm việc người nấy. Nhưng khi có 1, 2 người trong nhóm ra đi, đồng nghĩa công việc đó cần người hỗ trợ để đảm bảo tiến độ công việc. Đây cũng là lúc để bạn thể hiện khả năng của mình và học hỏi thêm các kỹ năng mới. Từ đó, dần hoàn thiện bản thân trở nên đa năng hơn, tạo “bệ phóng” cho con đường sự nghiệp.
Bên cạnh đó, người cũ đi, người mới đến, chúng ta sẽ lại có thêm cơ hội để mở rộng mối quan hệ của mình. Biết đâu họ cũng là một cộng sự tuyệt vời trong tương lai? Còn với đồng nghiệp cũ, chúng ta không nhất thiết phải tương tác ở văn phòng, bạn vẫn có thể coi họ là một người bạn nữa trong cuộc sống để hẹn hò cuối tuần…
Nhìn chung, nghỉ việc là một quyết định cần sự cân nhắc, thận trọng và chỉ nên được đưa ra khi công việc hiện tại không thể đáp ứng mong muốn cũng như định hướng phát triển của bạn. Đừng quyết định nghỉ việc chỉ trong phút chốc theo tâm lý đám đông. Hãy xem lại bản thân mình có thật sự muốn nghỉ và nếu nghỉ thì bước tiếp theo của bản thân sẽ là gì. Vì sự nghiệp là sự gầy dựng của cả một hành trình dài, đừng để 1 phút bốc đồng rồi hối tiếc sau này.
theo HR insider/vietnamworks