3 Bước để có buổi phỏng vấn ứng tuyển thành công, chia sẻ từ chuyên gia về diễn thuyết

2020-10-09 07:10

Với trải nghiệm ở cả hai vị trí ứng viên và nhà tuyển dụng, mình nghĩ rằng chìa khóa thành công nằm trong 3 bước ứng viên có thể thực hiện trước và trong một cuộc phỏng vấn.

Bước 1: Làm việc với cảm xúc để hiểu rõ bản thân

“Các nhà tuyển dụng thường không chỉ chọn ứng viên dựa trên kỹ năng chuyên môn mà cả trí tuệ cảm xúc (EI/EQ: Emotional Intelligence). 

Có thể hiểu EI nôm na như một kỹ năng giúp ứng viên hiểu rõ những điểm mạnh, điểm yếu, mục tiêu cuộc sống và sự nghiệp, để từ đó luôn bình tĩnh và tự tin thể hiện giá trị bản thân trước nhà tuyển dụng.” – Đây là chia sẻ mà mình khá đồng tình với anh Brian Thái, một chuyên gia nhân sự có hơn 13 năm kinh nghiệm tại các tập đoàn đa quốc gia và hiện đang làm việc ở một tập đoàn thuộc Fortune 500.

Để cải thiện EI, trước đây mình thường dành ra 30 phút mỗi ngày để ghi lại những tình huống mang lại cảm xúc vui, buồn, thất vọng, giận dữ,… Sau đó tập trả lời câu hỏi tại sao những tình huống này lại tạo ra các cảm xúc đó. Mình đã kiên trì thực hành việc này trong khoảng 21 ngày để tạo thói quen ghi nhận cảm xúc, giao tiếp với bản thân để hiểu chính mình tốt hơn.

Ban đầu vì khá thử thách trong việc nhận biết các cảm xúc khác nhau, nên mình đã chia thành các nhóm cảm xúc tiêu cực và tích cực trước, rồi mới tách thành các loại cụ thể. Sau một thời gian dài duy trì thói quen này, mình thực sự nhận thức bản thân và mọi việc xung quanh rõ ràng hơn rất nhiều.

Tiếp đó mình cố gắng xác định các điểm mạnh, sở thích và điểm yếu của bản thân, rồi tập cách trình bày chúng với người phỏng vấn.

Điểm quan trọng khi nói về điểm yếu là trình bày cách mình đã nỗ lực vượt qua chúng. Cụ thể khi trình bày về một điểm yếu ở việc ủy quyền trong nhóm làm việc, mình đã nói rằng: “Em đã kiên trì tham gia các lớp học kỹ năng, học cách sử dụng công cụ quản lý công việc và kỷ luật tổ chức họp định kỳ. Sau ba tháng 100% thành viên nhóm đã hoàn thành công việc đúng hạn.” 

Trong buổi phỏng vấn đó mình đã trả lời rất tốt các câu hỏi khó khác và cũng đã rất tự tin thương lượng mức lương. Kết quả mình nhận được lời mời làm việc với mức thu nhập mong muốn.

Bước 2: Tìm ra công ty có khả năng ứng tuyển thành công cao

Khi tìm kiếm một công việc hãy làm sao để đáp ứng được 3 yếu tố sau: 

  • Đó là việc mình thích. 
  • Đó là việc mình có khả năng làm tốt. 
  • Đó là công việc mang lại cho mình thu nhập mong muốn. 

Cụ thể, khi tìm thấy một thông tin tuyển dụng thú vị, mình sẽ nghiên cứu thật kỹ trang web của công ty và xem lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ, các thông cáo báo chí, các hoạt động nổi bật và văn hóa của công ty để cân nhắc sự phù hợp trước khi quyết định ứng tuyển.

Bên cạnh đó, mình cũng nghiên cứu rất kỹ mô tả công việc của vị trí đang tuyển dụng để hiểu rõ công việc yêu cầu những gì.

Sau đó mình liên kết những mô tả công việc và yêu cầu của công ty với khả năng của bản thân để hình dung liệu mình có phù hợp hay không. Mình không muốn bản thân rơi vào tình trạng “rải truyền đơn” đến tất cả những công ty đang tuyển dụng mà mình biết. 

Bằng cách này mình đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và chỉ ứng tuyển vào những công việc hay công ty mình có khả năng thành công cao.

Bước 3: Thực hành tạo ấn tượng tốt trong buổi phỏng vấn

Một cách khá hiệu quả mình đã làm là đứng trước gương để luyện tập cách trả lời cho những câu mình nghĩ sẽ được đặt khi phỏng vấn. Mình đã áp dụng mô hình STAR (Situation – Tình huống, Task – Nhiệm vụ, Action – Hành động, Result – Kết quả) cho các câu trả lời. Sau đó, khi đã tự tin thì mình nhờ anh Brian Thái thực hiện một buổi phỏng vấn thử để quen dần với áp lực.

Trong một buổi phỏng vấn thực tế, nhà tuyển dụng đặt câu hỏi: “Hãy nêu một tình huống em hoàn thành tốt công việc được giao”. 

Mình đã trả lời: “Khi công ty triển khai một khóa học mới về kỹ năng bán hàng, cấp trên đã giao danh sách 5 khách hàng hiện hữu và yêu cầu phải ký được hợp đồng với 3 khách hàng trong số đó.

Em đã nghiên cứu bảng tổng hợp thông tin nhu cầu của khách hàng trong những cuộc họp trước đó và phát hiện: 4 khách hàng có khoảng 30% nhân viên kinh doanh là nhân viên mới. 

Sau đó em liên hệ và giới thiệu khóa học sẽ giúp trang bị kỹ năng bán hàng cho nhóm nhân viên này. Và sau một số cuộc họp giới thiệu chi tiết hơn, em đã ký được hợp đồng với 4 khách hàng này.” 

Chính nhờ việc chuẩn bị tốt, mình đã đưa ra được những câu trả lời rõ ràng, chi tiết và ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Một yếu tố khác giúp mình thành công trong buổi phỏng vấn này chính là mình đã đến sớm 15 phút trước giờ phỏng vấn để có thời gian chỉnh trang lại trang phục, ngoại hình và ổn định tinh thần. Việc đến sớm cũng giúp mình có thời gian cảm nhận môi trường làm việc và con người tại văn phòng công ty.

Bằng cách thực hành 3 bước nêu trên, mình đã có những công việc phù hợp giúp bản thân đi tới được sự nghiệp hiện tại. Đến nay khi thành lập và điều hành EIY mình vẫn luôn mong muốn giúp các bạn ứng viên rèn luyện kỹ năng ứng tuyển và phỏng vấn tốt nhất có thể nhằm nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp mong muốn.